Saturday, September 12, 2009

*Nhìn Lại Asia 53 : "Những Thông Điệp Kín Đáo"



NHÌN LẠI ASIA 53:
NHỮNG THÔNG ĐIỆP KÍN ĐÁO ĐÀNG SAU

“ÂM THANH & MÀU SẮC CỦA BỐN MÙA"


Thời gian gần đây, vài Trung Tâm ca nhạc nổi tiếng ở hải ngoại vẫn tiếp tục đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả khắp nơi bằng cách thực hiện những chương trình đại nhạc hội thật mới lạ và đặc sắc với phí tổn càng lúc càng tăng cao. Những chủ đề chọn lựa cho từng chương trình cũng quan trọng không kém và ảnh hưởng nhiều đến mức tiêu thụ của sản phẩm DVD được phát hành sau đó. Vì vậy, ở chương trình Asia 53, Trung Tâm ca nhạc Asia đã dàn dựng một sân khấu thật quy mô, lộng lẫy cho chủ đề : “Bốn Mùa, Màu Sắc Của Tình Yêu”. Đây cũng là một chủ đề rất lạ và có thể nói là khá phức tạp. Một đề tài rất khó thực hiện khi gom tất cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của đất trời và kể cả hai mùa mưa nắng vào một chương trình dài khoảng bốn tiếng đồng hồ. Trong quá khứ, các chương trình ca nhạc thường chỉ chọn một mùa riêng biệt trong năm làm chủ đề như: “Tìm Lại Mùa Xuân, Mùa Hè Rực Rỡ, Tình Ca Mùa Thu …v..v.” Nhưng ở DVD Asia 53 này, khán giả sẽ có dịp nhìn lại tất cả bốn mùa xoay chuyển trong một năm và ảnh hưởng của từng mùa tới những sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của mọi người.

Điểm đặc biệt thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ những giây phút đầu tiên của chương trình này là ánh sáng tân kỳ và thật mới lạ, lần đầu tiên thực hiện trên sân khấu của Trung Tâm Asia. Trước mắt khán giả là hai cành cây to lớn sừng sửng nhô ra trên sân khấu đã đổi màu theo từng mùa và những tấm màn rộng lớn phía sau cũng thay đổi nhiều lần. Không phải chỉ có ánh sáng đèn màu biến chuyển linh động trên sân khấu mà những bộ y phục của các nghệ sĩ cũng thay đổi nhiều kiểu, nhiều màu thật lạ lùng và đẹp mắt, tuy đây không phải là một chương trình biểu diễn thời trang.

Tiết mục mở màn là một liên khúc gồm các bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như đã bao gồm cả bốn mùa với tất cả những màu sắc của tình yêu và cuộc đời qua bảy tiếng hát đang được mến chuộng của Asia. Giọng hát của Don Hồ và Nguyên Khang thật cao, thật ấm, giọng khàn khàn của Minh Thông kết hợp rất khéo léo với Thiên Kim, Diễm Liên và Y Phương cùng Y Phụng đã làm cho sân khấu như biến đổi nhịp nhàng với màu sắc của bốn mùa. Liên khúc này thật tình tứ vô cùng. Bao giờ cũng vậy, cảnh mở màn vô cùng quan trọng và quyết định cho chủ đề của cả chương trình. Khán giả sẽ thích thú và xem liền một mạch không ngừng nghỉ hay chán nản, bực mình cũng là do liên khúc mở màn. Ở năm phút ngắn ngủi này, âm thanh và ánh sáng đổi thay liên tục với những giọng ca phối hợp khéo léo với nhau qua từng lời ca thật lãng mạn, chất ngất đam mê như:

“Ta thấy em trong tiền kiếp … với cọng buồn cỏ cây
Ta thấy em đang ngồi khóc … khi rừng chiều đổ mưa
Rừng Thu lá úa …em vẫn chưa về …
Rừng Đông cuốn gió … em đứng bơ vơ …

Ta vẫn mong ta chờ mãi… trên từng ngày quạnh hiu
Ta vẫn mong em về đây…cho đời đầy cuộc vui
Mùa Xuân đã đến… em hãy quay về
Rừng xưa đã khép… em hãy ra đi …”

Các vũ công xinh xắn qua những động tác xoay vòng thật uyển chuyển và những chiếc áo dài nhiều màu sắc làm nổi bật nét linh động nhẹ nhàng của lời ca tiếng nhạc cũng thay đổi theo từng mùa bằng những âm thanh sấm chớp rền vang, mưa rơi trút nước, lá đổ muôn chiều với những chiếc lá bằng giấy tung ra ào ào khắp rạp và tuyết rơi trắng xóa trên nền sân khấu. Tất cả những kỹ xảo hình ảnh, màu sắc, tiếng động vang dội, hòa âm mới mẻ, ánh sáng … phối hợp nhịp nhàng với nhau làm cho liên khúc mở màn này trở nên sống động và gây nên ấn tượng vô cùng lôi cuốn người xem trong vòng năm phút ngắn ngủi mà cũng rất quan trọng này.

Nhưng khán giả sẽ thắc mắc và tự hỏi rằng trong một chương trình đại nhạc hội tốn kém và tổ chức công phu như của Asia 53 kỳ này thì sự sắp xếp các tiết mục, chọn lựa bài hát và phong cách trình diễn của các ca sĩ có được hấp dẫn và có gì mới lạ hay không so với những chương trình Asia trước kia?

Khách quan nhận xét, có thể nói khi nhìn bao quát cả chương trình Asia 53 thì số lượng bài hát phổ thông quen thuộc và được nhiều tầng lớp khán giả yêu thích suốt nhiều năm qua chiếm 70% của chương trình, các bài hát mới và lạ chiếm 20% chương trình. Xen kẽ là những màn đối thoại vui nhộn của các MC Leyna Nguyễn, Nam Lộc, Trịnh Hội, các màn phỏng vấn nghệ sĩ, khách mời danh dự, video clips tài liệu liên quan đến chủ đề và hai tiết mục đặc sắc khác là kịch vui và trích đoạn cải lương. Ngoài ra còn có những thông điệp thầm kín ẩn chứa những lời nhắn gửi rất quan trọng dành riêng cho thế hệ trẻ của cộng đồng Việt Nam khắp nơi trên thế giới và kể cả ở trong nước, đàng sau những tiết mục ca nhạc của DVD Asia 53 này.

Những bài hát nổi bật của chương trình Asia 53:
Sau liên khúc mở đầu giới thiệu cho chủ đề của Asia 53 thì chương trình được tuần tự như sự sắp xếp của thiên nhiên là khởi đầu bằng mùa Xuân với hai ca khúc viết về không khí đón Tết ở quê hương chúng ta ngày xưa của nhạc sĩ Hoài An là Tâm Sự Ngày Xuân và Câu Chuyện Đầu Năm. Đây là những bài hát thật quen thuộc mà hai ca sĩ Thanh Phong và Phương Hồng Quế đã từng trình diễn không biết bao nhiêu lần trước năm 1975 ở quê nhà và hôm nay thế hệ đàn em tiếp nối là Ngọc Huyền và Phương Vũ cũng gợi cho nhiều người khung trời kỷ niệm yêu dấu ngày xưa. Lâu lắm khán giả mới có dịp thấy Thanh Phong và Phương Hồng Quế song ca với dáng điệu trẻ trung qua những lời chúc Tết thật nhiều ý nghĩa ở bài hát rất dễ thương này. Thay vì dựng lên một cổng chùa hay sân chùa với khách thập phương vãng cảnh ngày đầu năm, thì việc Ngọc Huyền đứng trang nghiêm chắp tay khấn nguyện trước tượng Đức Phật ở trong chánh điện cũng là một cảnh rất mới lạ và mang không khí Tết truyền thống dân tộc đến cho người xem. Đặc biệt nhất là phần phụ diễn thật linh động, của các em võ sinh của võ đường Đặng Huy Đức dành riêng cho tiết mục này. Ca sĩ trẻ Phương Vũ song ca rất hợp với Ngọc Huyền, tiếc là cả hai đã không biểu diễn vài câu vọng cổ ở đây để tạo nên nét đặc biệt như có lần họ đã song ca cổ nhạc với nhau.

Vì cuồn DVD Asia 53 này được phát hành trước Tết Nguyên Đán năm nay, nên những bài hát về Xuân và Tết sẽ được nhiều người chú ý. Quan trọng nhất là liên khúc mở màn nói lên chủ đề Bốn Mùa và bài hát kết thúc của chương trình đã mang lại không khí Tết cho khán thính giả khắp nơi. Đó là hoạt cảnh “Xuân Và Tuổi Trẻ” do đôi uyên ương Phương Thảo-Ngọc Lễ trình diễn với phong cách rất đáng yêu của họ (khi cùng sử dụng đàn guitar và mandoline) và màn phụ họa của Dạ Nhật Yến cùng các vũ công khác thật vui tươi, trẻ trung như những lời ca bất hủ của cố nhạc sĩ La Hối (1920-1945):

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn luôn luôn cười cùng hoa …”


Hát vang lên đời ta thắm tươi
Tiết Xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết Xuân êm đềm muôn tiếng ca
Xuân tưng bừng …. "


Giai điệu valse tươi sáng, nhẹ nhàng và đầy sức sống lạc quan của bài hát này có sức truyền cảm lạ lùng suốt nửa thế kỷ nay khiến ai cũng yêu thích nghe lại vào những ngày Xuân, ngày Tết. Tiết mục này được kéo dài thêm bằng sự hợp ca của tất cả các nghệ sĩ hiện diện trên sân khấu Asia với nhiều kiểu trang phục khác nhau. Đúng là “Xuân về với ngàn hoa tươi sáng”. Các nghệ sĩ đã cùng hát chung lời chào tạm biệt với khán giả trong khi những bao lì-xì đỏ thắm tung bay khắp nơi, hợp cùng cảnh múa lân, ông Địa xuất hiện trên sân khấu như mang đến không khí Tết thật rộn ràng để đón mừng Xuân mới.

Những ca khúc bất hủ của âm nhạc Việt Nam:
Đã lâu lắm rồi, khán giả của Trung Tâm Asia mới có dịp gặp lại một giọng hát trầm buồn như nét mặt u buồn muôn thuở của người ca sĩ khả ái Thùy Dương. Hôm nay Thùy Dương diễn tả “Bến Xuân” của cố nhạc sĩ Văn Cao(1923-1995) bằng dáng điệu khoan thai, chậm chạp nhưng cũng rất quyến rủ, lãng mạn với màu nắng vàng nhạt và có chút khói sương của một 'bến xuân' nào đó trong ký ức nhiều người, với lời hát thật nhẹ nhàng. Qua chương trình này, khán giả cũng được biết thêm chút ít về lai lịch của bài hát rất nổi tiếng này (hoàn toàn là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, chớ không phải là hợp soạn với nhạc sĩ Phạm Duy như có nhiều người lầm tưởng). Đây là một chi tiết thật thú vị góp phần bổ túc vào tài liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam. Trong cuốn video “Văn Cao: Giấc Mơ của Một Đời Người” thực hiện ở trong nước vào năm 1994, nhạc sĩ Văn Cao đã tâm sự về bài hát này như sau:

“Tôi ngày xưa có yêu thầm một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người con gái ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu – Em đến tôi một lần – và mới có bài hát này.”

Thuở đó Văn Cao nổi tiếng qua ba lãnh vực thi ca, âm nhạc và hội họa. Ông đã sáng tác Bến Xuân như gửi gấm tâm sự của mình vào đó, như nhớ lại một lần cô ca sĩ Hoàng Oanh đã đến thăm ông:

“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần,
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân.
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca ù u ú ….”


Đúng là một mối tình thầm lặng của nhạc sĩ Văn Cao với cô ca sĩ Hoàng Oanh (trước kia ở Hải Phòng, không phải Hoàng Oanh trẻ sau này). Đó là một đôi trai tài gái sắc danh tiếng lẫy lừng ở thành phố Hải Phòng trước năm 1945. Ca sĩ Hoàng Oanh là một người đẹp “huyền thoại” của Hải Phòng, nhưng sau khi chia tay với Văn Cao thì nàng lên xe hoa với một nhạc sĩ nổi tiếng khác (cũng ở Hải Phòng). “Hồng nhan đa truân”, vài năm sau thì chồng cô mất sớm và cô tham gia kháng chiến, lưu lạc khắp nơi để sau này trở thành phu nhân cho một tướng lãnh miền Bắc. Câu hát nguyên thủy “Sương mênh mông che kín tiếng Oanh ca ” sau đó trở thành “Sương mênh mông che lấp kín non xanh ”. Thêm một lần vinh danh cho người nhạc sĩ tài hoa nhưng lận đận là Văn Cao ở chương trình này.

Nói đến mùa Thu thì không thể nào quên được những bài hát về mùa thu của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh, với những câu hát vô cùng lãng mạn như:

“Có những đêm về sáng,
Đời sao buồn chi lắm cố nhân ơi ?”


Những lời ca này đã theo với chúng ta biết bao nhiêu năm qua, ở khắp mọi nơi. Chỉ có hai câu hát đó cũng đủ gợi lại biết bao nhiêu nhung nhớ trong chúng ta: hình ảnh người yêu cũ, bạn bè xưa, khung trời hoa mộng ngày nào …tất cả như nhạt nhòa trong ký ức, mà cũng như phảng phất đâu đây ..nhè nhẹ len vào hồn ta những khi chợt thức giấc giữa khuya. Mùa thu trong các bài hát của ông có những màu sắc thật gợi cảm, đó là mùa thu của đất trời mà cũng là mùa thu của lòng người. Liên khúc mùa thu đã được Diễm Liên – Nguyên Khang diễn tả thật tình tứ say mê. Một người thì hát thật nhẹ nhàng quyến rủ, còn người kia thì cao vút, ngân vang. Nhưng kết hợp lại thì hai giọng hát này vẫn luôn luôn thành công ở những bài song ca chọn lọc như liên khúc mùa thu này.

Một bài hát bất hủ khác của nền âm nhạc Việt Nam được trình diễn lại ở đây là “Tiếng Sông Hương” để mô tả lại cảnh lũ lụt hàng năm ở quê nhà suốt bao nhiêu năm nay. Bài hát này là một trích đoạn của trường ca “Hội Trùng Dương” gồm ba ca khúc: Tiếng Sông Hồng, Tiếng Sông Hương và Tiếng Sông Cửu Long của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991). Đặc điểm của “Tiếng Sông Hương” là có nhiều đoạn nhạc phảng phất âm điệu dân ca miền trung với những câu hò lúc nhanh, lúc chậm đã được Ngọc Hạ diễn tả thật điêu luyện với kỹ thuật luyến láy cao thấp của cô. Ở đây ca sĩ không cần phải phát âm cho thật đúng giọng Huế, nhưng hát làm sao mà khán giả nghe ra âm hưởng của miền sông Hương, núi Ngự là bài hát đã thành công rồi. Nhứt là khi Ngọc Hạ uốn nắn ở những câu hò miền Trung:

Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ
Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu
Hỡi hò, hỡi hò …hò ơi ..
Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa Đông thiếu áo, Hè thời thiếu ăn …

Màn phụ diễn của em bé thổi cây sáo trúc trông thật cảm động và cảnh những chiếc bè lượn qua sân khấu minh họa cho mùa lụt ở miền Trung trông thật thê lương, ảo não làm sao. Bài hát gợi nhớ cho biết bao người về những cơn bão lụt ngày xưa và lại vừa xãy ra trên quê hương trong thời gian qua với những hình ảnh tóm tắt trong vài phút video clip trên màn hình.

Chủ đề phụ bên trong chủ đề chính: Mùa Mưa và Ban Đêm ở Sài Gòn ngày xưa:
Trong chủ đề chính về Bốn Mùa của đất trời là hai mùa mưa nắng rất đặc biệt của Miền Nam Việt Nam, mà tiêu biểu ở đây là khu xóm ngoại ô của thành phố Sài Gòn ngày xưa qua những bài hát đã đi vào lòng người cách đây hơn bốn, năm chục năm với những lời ca thật lãng mạn, làm xao xuyến lòng người khi nhớ về chốn cũ ngày xưa. Đó là phần trình diễn của các bài hát Xóm Đêm, Phố Đêm, Mưa Nửa Đêm, Mưa Đêm Ngoại Ô. Những màn đối thoại hơi dí dỏm và có phần táo bạo của hai MC Trịnh Hội và Nam Lộc qua những câu đố rao hàng trong xóm, hay Trịnh Hội tinh nghịch trong chiếc áo mưa, hoặc Mỹ Huyền với những kỷ niệm lúc nhỏ ở quê nhà làm cho không khí trở nên vui tươi hơn. Nhưng bên cạnh đó là cái video clip về những cơn mưa ở Sài Gòn cho thấy thực tế khá phủ phàng. Đó là sau khi chiến tranh kết thúc đã hơn ba mươi năm qua, mà chính quyền sở tại vẫn chưa sửa sang được hệ thống cống rãnh ở đô thành để thoát nước mưa cho người dân đỡ khổ.

Xóm Đêm đã được sáng tác cách đây hơn 50 năm và được Anh Khoa trình bày ở đây với giọng ca thật nồng ấm, truyền cảm hợp cùng hai tiếng hát thế hệ trẻ là Tường Khuê, Tường Nguyên đã đưa khán giả trở về khu phố nghèo ngày xưa trong thời thanh bình của thập niên 1950 ở Sài Gòn với những câu như:

“Đường về canh thâu
Đêm khuya ngõ sâu như không mầu
Qua phên vênh có bao mái đầu
Hắt hiu vàng ánh điện câu …. "

Có người không hiểu chữ “điện câu” là gì tuy trong cái video clip, Trịnh Hội có nhắc sơ là “ánh điện câu vàng vọt” (không phải là soi điện để đi câu cá trong đêm mưa), vì đây cũng là nét đặc biệt của một xóm nghèo trong đô thành Sài Gòn hay tỉnh lẻ nào đó cách đây vài chục năm. Những người nghèo, không có việc làm ổn định thì khó có thể xin được đồng hồ điện, mà phải câu điện nhờ nhà hàng xóm và dòng điện càng lúc càng yếu hơn nếu có nhiều nhà xài chung một đồng hồ điện. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ ở những xóm nghèo ngày xưa.

Từ “Xóm Đêm” qua tới “Phố Đêm”, Trung Tâm Asia đã vinh danh nhạc sĩ Tâm Anh qua đoạn video clip và những bài hát lừng lẫy một thời. Chỉ tiếc là nhạc sĩ Tâm Anh đã sớm lìa đời mà không có dịp xem được chương trình này. Đặc biệt nhất là bài “Phố Đêm” do ông sáng tác năm 1968 và được ca sĩ Bạch Lan Hương ghi âm lần đầu tiên cho hãng dĩa Sóng Nhạc. Sau đó ca sĩ Phương Hồng Quế đã phổ biến bài hát này trên các đài phát thanh và truyền hình. Nhưng sau năm 1975 thì tất cả các bài hát của nhạc sĩ Tâm Anh đều bị cấm hát ở Việt Nam. Khán giả ở trong nước ít ai còn nghe nhắc đến tên nhạc sĩ này và ít ai còn nhớ đến ông. Đột nhiên vào ngày 21.2.2006, các báo trong nước loan tin ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) đã bị chính quyền quyết định xử phạt 53,570 triệu đồng tiền VN vì đã thu thanh trái phép bài hát “Phố Đêm” (nằm trong danh sách các bài hát bị cấm) trong CD “Tình ca 50” và tịch thu hơn 5,000 dĩa CD chưa kịp phát hành, các poster quảng cáo và bìa CD vừa in ra. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và trung tâm băng đĩa Lạc Hồng cũng đã chính thức xin lỗi nhạc sĩ Tâm Anh về việc thu bài hát “Phố Đêm” của ông, vì ĐVH còn trẻ tuổi nên không được biết ông là tác giả của “Phố Đêm”, nhứt là đã không xin phép mà lại tự ý sửa tên tác giả là Trần Tuấn Kiệt và sửa lời ca khác đi vài chổ (như “năm tháng cách xa nhà” thay vì “tuy lính chiến xa nhà” hay “vai áo bạc phai màu” thay vì “chinh chiến từ lâu rồi”…).Cho tới nay, bài hát này vẫn còn bị cấm hát ở quê nhà. Nhưng khán giả đã thưởng thức thật trọn vẹn từng lời ca của “Phố Đêm” qua phần trình diễn của Y Phụng và “Chuyện Tình Không Suy Tư” qua giọng hát thật điêu luyện và nét mặt trầm buồn của Thiên Kim. Hai ca sĩ này đã mặc những chiếc áo thật đẹp như những thiếu nữ hẹn hò lúc buổi tối với người tình của mình trong ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn đường khá ảm đạm, thê lương qua những câu hát:

Người yêu giờ xa xôi lắm, cướp mất thương yêu
Em khóc cho ai đêm này, ai khóc cho em ngày mai ?

Hay:
Phố đêm nhiều lần suy tư, ghi nhớ còn trong đời
Những ngày thương tích lớn
Mây đen làm úa trăng gầy
Cho nên còn tiếng say mềm ….

Hai bài hát “Mưa Nửa Đêm” của cố nhạc sĩ Trúc Phương (1939-1996) và “Mưa Đêm Ngoại Ô” của Đỗ Kim Bảng là sự kết hợp rất khéo léo ở đây, do Mỹ Huyền và Tuấn Vũ hát cũng đã gợi lại cho biết bao người những kỷ niệm êm đềm vào mùa mưa ở quê nhà ngày trước. Sau một thời gian vắng bóng trên các DVD ca nhạc, vì bận lưu diễn và đóng kịch ở đoàn kịch Trần Hùng, Mỹ Huyền vẫn giữ được nét duyên dáng trong phong cách trình diễn như ngày xưa. Riêng nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng hiện định cư tại Boston từ năm 1980, nhưng sau này ít thấy bài hát mới của ông. Ông sinh năm 1932 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Văn Khoa và Cao Đẳng Sư Phạm, học nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân, ông đã dạy học rồi làm việc ở trường Võ Bị Đà Lạt. Sau đó ông gia nhập quân đội, phục vụ ở Cục Tâm Lý Chiến QLVNCH rồi được biệt phái sang Bộ Giáo Dục cho đến năm 1975. Ngoài bài “Mưa Đêm Ngoại Ô” (1960) ông còn sáng tác trường ca “Những Người Đi Giữ Quê Hương” và “Vòng Tay Xin Giữ Trọn Ân Tình”, “Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu” rất được nhiều người yêu thích.

Những giai thoại chung quanh bài hát Mùa Thu Lá Bay:
Mùa Thu Lá Bay anh đã đi rồi,
Vở tan ôi bao giấc mộng lứa đôi …
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau …


Những lời ca thật quen thuộc, từ hơn 30 năm nay vẫn được không biết bao nhiêu người hát, không biết bao nhiêu người nghe khi đã xa nhau, đã nhớ nhau, đã đếm từng mùa lá vàng rơi rụng. Ở hải ngoại, chính bài hát “Mùa Thu Lá Bay” lời Hoa và Việt này đã khiến cho Kim Anh trở nên nổi tiếng suốt hơn hai chục năm nay. Năm 1982, chỉ riêng băng nhạc cassette “Mùa Thu Lá Bay” của Kim Anh đã tạo nên kỷ lục với số băng bán được hơn 60,000 cuồn. Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Văn Nghệ ở Úc (6.2.2007), khi được hỏi cơ duyên nào đã khiến cho Kim Anh nổi tiếng với bài hát này, cô đã nói:

“ Lúc đầu, khi mà ca sĩ tại hải ngoại chưa có nhiều, sinh hoạt văn nghệ cũng lèo tèo lắm, tôi nhớ lúc đó có chị Kim Vui hát nhạc Mễ, Carol Kim hát nhạc Mỹ, Thanh Thúy và Khánh Ly hát nhạc “Việt buồn”, còn Kim Anh lúc đó thì hát nhạc Disco. Một anh trong ban nhạc mới nói “Tại sao mày Ba Tàu, lại không hát nhạc Tầu?”, thế rồi anh ấy cho nghe bản “Mùa Thu Lá Bay”, Kim Anh viết lại đoạn còn đoạn mất, và hát lần đầu tiên vào năm 1977... thế là đùng đùng nổi tiếng... "

Điều thú vị khác là cho đến lúc đó, Kim Anh vẫn chưa đọc cuốn tiểu thuyết cùng tên và cũng chưa biết ai là người sáng tác hay viết lời Việt cho bản nhạc trong phim, cô nói tiếp:

"Cái này mới là cái “bậy” lớn nhất của mình! Mình hát bao nhiêu năm mà cũng chẳng cần biết nhạc đó của ai, và tác phẩm “Mùa Thu Lá Bay” là của nữ sĩ nào, phim do ai đóng..v.v. Mãi tới mới lúc gần đây mới biết lời Việt là của Nhạc sĩ Nam Lộc viết từ trước năm 1975. Điều này cũng không trách Kim Anh được, vì hồi đó trên bản nhạc ký tên là “Lệ Thanh”, bố tôi cũng chẳng biết “Lệ Thanh” là bà nào nữa kìa!”(cười)

Ở chương trình Asia 53 này, lần đầu tiên chúng ta được nghe nữ sĩ Quỳnh Dao (tên thật là Trần Triết) tâm sự những nỗi lòng của bà (qua những cuộc tình thật sôi nổi của thời thanh xuân khi bà đã bắt đầu yêu đương và sáng tác năm vừa 16 tuổi). Hai cuộc hôn nhân đầy sóng gió của bà với ông Khánh Quân và Bình Hàm Đào cũng là những kinh nghiệm cho bà sáng tác. Nhân vật Hàn Ni của Mùa Thu Lá Bay cũng đã gây nhiều đau khổ cho anh chàng si tình Mẫn Văn Lâu mà sau nay ca sĩ Tiểu My không sao thay thế được. Đó là những năm tháng ở vào lứa tuổi ba mươi của Quỳnh Dao. Sau này, bà lại chuyển sang viết loại tiểu thuyết lịch sử với nhiều tình tiết ly kỳ, éo le hơn như Tuyết Kha hay Hoàng Châu Cát Cát …Điều thú vị ở màn song ca của hai thế hệ Kim Anh-Doanh Doanh này là cả hai đều mang giòng máu Hoa tộc trong mình. Đặc biệt khi mà thân mẫu của Doanh Doanh (tức là nữ văn sĩ Ái Cầm) cũng chính là người đã chuyển dịch và phóng tác nhiều tác phẩm của Quỳnh Dao sang tiếng Việt như Hòn Vọng Phu, Tuyết Kha, Băng Nhi, Hoa Biển, Ngọn Cỏ Ven Sông…Vì vậy ở Asia 53 này, tiết mục “Mùa Thu Lá Bay” được chọn lựa thật ý nghĩa và hai ca sĩ duyên dáng này cũng đã diễn tả bài hát thật hay. Cho dù người nào không hiểu được tiếng Hoa thì cũng có thể thưởng thức những giai điệu êm đềm quen thuộc, nhẹ nhàng như những chiếc lá vàng bay theo gió ở mỗi mùa Thu.

Những tình khúc quen thuộc của thời chinh chiến ngày xưa:
Chắc có nhiều người trong chúng ta nơi đây, vẫn nhớ nhiều về những đêm Noel ở quê nhà ngày xưa. Khi hai người yêu nhau cùng quỳ dưới tượng đài Thiên Chúa cao sang để đồng thề nguyện trăm năm kết tóc. Vậy mà có khi những mộng ước đơn sơ như thế cũng không sao đạt được. Để khi mùa Đông trôi qua rồi, người con gái cất bước sang ngang, khiến cho chàng trai vẫn nhớ hoài “giọng hát ai ca … bài thánh ca buồn” trong những lần anh lang thang đi ngang qua giáo đường tăm tối. Đó cũng chính là tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Vũ (là anh bà con của nhạc sĩ Đức Huy) khi ông sáng tác “Bài Thánh Ca Buồn” cách đây đúng 34 năm, trong một cảm xúc bất tận với những kỷ niệm dâng tràn, về một người con gái nơi nhà thờ Con Gà (Đà Lạt) trong đêm Thánh Noel. Cho đến nay bài hát này vẫn là một bài hát Giáng Sinh được nhiều người yêu thích nhất ở khắp mọi nơi, khắp mọi gia đình trong những ngày cuối năm. Ở quê nhà, bài hát này vẫn được hát từ Nam ra Bắc suốt hơn 30 năm nay, mà không bị ngăn cấm như những bài “nhạc vàng” khác.

Hôm nay chúng ta nghe hai giọng ca trẻ Băng Tâm-Đặng Thế Luân diễn tả bài hát này như mang lại một chút tiếc nuối, xót thương. Đặng Thế Luân trong bộ com-lê bằng len dầy với chiếc khăn quàng cổ thả dài, đứng cùng Băng Tâm trong chiếc áo dài kín cổ nhưng lại khoe đôi tay trần như thách thức với tiết trời giá buốt của mùa Đông. Cả hai diễn tả thật tình tứ qua từng ánh mắt trao nhau, và những lần ngả đầu, kề má với nhau. Nhứt là ở những câu hát:

Long lanh sao trời thêm đẹp đôi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân
….
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai màu
Em qua cầu …xác pháo bay sau …


Năm 1966, nhạc sĩ Trường Sa (tên thật là Nguyễn Thìn, sanh năm 1940 tại Ninh Bình, sau năm 1954 ông sống ở Nha Trang và tốt nghiệp sĩ quan hải quân VNCH, cựu hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa) đã khởi nghiệp sáng tác bằng các bài hát “Hành Trang Giã Từ” và “Chuyện Tình Người Đan Áo”. Hai bài hát này nhanh chóng được nhiều người yêu thích cho mãi đến bây giờ. Giờ đây, khi nhớ lại những ngày tháng xa xưa ở quê nhà, trong thời chinh chiến, đã có biết bao nhiêu thiếu nữ âm thầm chong đèn ngồi đan từng chiếc áo len gửi ra tiền tuyến.. Món quà của mùa Đông thật đơn sơ mà rất quý giá và vô cùng lãng mạn với những yêu thương dâng tràn trong đó như:

“Mỗi mùa Đông đến, đem từng cơn gió rét run vai gầy
Những ai âm thầm gom đầy nhung nhớ viết nên thành thơ
Trong tâm tư áo dệt bằng những dòng lệ yêu dấu
Tặng người yêu lạnh giá đêm thâu
Đã thương nhau rồi, mấy ai không ngồi đan mộng từng Đông? …”

Thời chinh chiến ở quê nhà cũng không thể nào quên được khi nghe Chế Linh và Thanh Tuyền diễn tả qua liên khúc “Tình Chết Theo Mùa Đông” (Lam Phương) và “Nhớ Một Chiều Xuân” (Nguyễn Văn Đông) là những bài hát “ruột” của hai ca sĩ kỳ cựu này đã mang lại cho những thế hệ cha ông chúng ta thật nhiều kỷ niệm của thời hoa mộng xa xưa. Đó là những ngày tháng phải hành quân gian khổ hay âm thầm đón xuân nơi rừng thẫm, núi cao hoặc tuyến đầu heo hút.

Những bài hát vui tươi, trẻ trung:
Ở một chương trình ca nhạc, nếu chỉ thuần túy trình bày các bài hát về bốn mùa thì sẽ không có gì hấp dẫn. Nhưng ở Asia 53 này, sau những đối thoại vui nhộn của các MC trước khi giới thiệu bài hát là những video clips tài liệu xen kẽ làm cho chương trình trở nên mới lạ hơn, không ai đoán trước được chuyện gì sẽ xãy ra. Đó là những lễ hội Carnival ở khắp nơi trên thế giới được trình chiếu ở đây. Đặc biệt là ở Úc Châu với lễ hội đa văn hóa Moomba ở Melbourne hay cuộc diễn hành vĩ đại hàng năm ở đô thị Sydney gọi là Mardi Gras với số lượng hàng trăm ngàn người với thời trang đủ kiểu, đủ màu. Từ không khí náo nhiệt đó, ba tiếng hát Vina Uyển Mi, Thùy Hương và Dạ Nhật Yến đã trình bày “Vào Hạ” của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Ba giọng hát nữ này đã mang đến cho chúng ta không khí thiên nhiên trong lành qua từng lời ca rất nhẹ nhàng mà cũng rất tình tứ như:

“Trời nhẹ dần lên cao, hồn tôi dường như bóng chim,
Vờn đôi cánh mềm, lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên,
Và dòng sông xanh kia, nằm im như không muốn trôi,
Phơi màu áo rêu, vỗ về … đánh giấc trưa nghỉ ngơi …”

Giai điệu mượt mà và lời ca của bài hát này thật gần gũi với giới trẻ và dễ lắng sâu vào lòng người. Ít có người biết được là nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã viết ca khúc này vào năm 1990 khi ông có dịp đi trình diễn ở Hải Phòng (ban nhạc Phiêu Bồng) như lời tâm sự của chính tác giả trước kia:

Nếu có dịp ra Hải Phòng vào mùa Hè, bạn sẽ cảm nhận được cái đẹp ở cuộc đời vào mùa Hạ. Trời xanh, hoa phượng đỏ …còn tôi thì cứ lang thang và nghĩ rằng: ‘Cuộc đời có thể có nhiều điều làm chúng ta không hài lòng, nhưng cuộc đời cũng có những cái để vui, thì tại sao lại cứ phai u uẩn và than trách’ ?” (Lê Hựu Hà 1946-2005) . Những ý tưởng đó đã tạo nên lời ca như:

“Hãy thắp sáng tâm hồn cháy lên trong tim mỗi người
Những yêu thương cho cuộc đời
Mùa Hạ ơi, tình phơi phới
Bạn ơi xin hãy vứt hết nỗi buồn
Xoá tan đi bao đêm trường, bước ung dung trong cuộc đời …Hạ ơi !”


Với trang phục trẻ trung của ba cô ca sĩ trẻ cộng với những lời Rap thật vui tươi, nhịp nhàng của Chosen Nguyễn làm cho bài hát quen thuộc này sống động thêm lên. Sự kết hợp của bốn tiếng hát trẻ này là một tiết mục rất thành công. Nhưng nổi bật hơn cả ở tiết mục này vẫn là Christine Thùy Hương qua nét xinh tươi, thật nhí nhảnh của cô nổi bật qua màu áo đỏ và giọng hát nhiều kinh nghiệm của Vina Uyển Mi. Đẹp nhứt là trang phục nhiều màu, nhiều kiểu lạ mắt của các ca sĩ và các vũ công phụ diễn.

Tiết mục về Mùa Xuân trên đất khách của ca sĩ trẻ Trish Thùy Trang cũng được chú ý rất nhiều. Trish Thùy Trang đã sáng tác “Above & Beyond” để tạo cho mình một phong cách riêng, tiêu biểu cho lớp trẻ Việt Nam lớn lên ở hải ngoại nhưng cũng đã tích cực góp phần vào việc xây dựng nền âm nhạc của người Việt lưu vong. Bài hát thật sống động và vui tươi như những bông hoa muôn màu muôn sắc trên y phục của Trish và các vũ công phụ diễn.

Mùa Xuân trong tình yêu của giới trẻ hải ngoại cũng được Cardin trình diễn qua một sáng tác mới nhất của anh là “Thầm yêu” với những lời ca tiếng nhạc rất dễ thương và tươi sáng. Tuy phần nhạc đệm rất hay nhưng hơi ồn, nên khó khăn lắm mới nghe được từng lời hát của Cardin. Nhưng những vũ công phụ họa khá điêu luyện đã làm tăng giá trị của tiết mục này. Phần trình diễn và sáng tác lời Việt của Cardin đã tiến bộ rất nhiều ở bài hát này.

Đặc biệt là hoạt cảnh mùa Đông với ban tứ ca Asia 4 đã trình bày liên khúc “Winter Wonderland & Santa Clause Coming To Town” rất sống động và tươi trẻ. Vì những bản nhạc tiếng Anh này đã được lựa chọn đúng theo sở trường của nhóm này, nên lâu lắm họ mới có dịp thi thố tài năng sau gần 10 năm ca hát. Phần phụ diễn của các vũ công với những màu sắc đỏ, trắng, xanh tiêu biểu cho mùa Giáng Sinh cũng rất thành công, đem không khí nhộn nhịp của mùa lễ hội ở xứ người (ngược lại với “Đêm Thánh Vô Cùng” là những hoài niệm về mùa Noel ở quê nhà). Hình ảnh vui tươi của ông già Noel hòa tấu bằng kèn cũng khá ngộ nghĩnh và vui nhộn, đúng như tựa đề bài hát ‘Ông Già Noel Xuống Phố”.Đặc biệt bài “Winter Wonderland” này đã được sáng tác vào năm 1934 do nhạc sĩ Felix Bernard (1897-1944) viết nhạc và Richard Smith (1901-1935) viết lời, nhưng cho đến bây giờ vẫn còn được nhiều người yêu thích. Chúng ta hãy nghe Asia 4 hát lại một lần nữa:

Sleigh bells ring, are you listening,
In the lane, snow is glistening
A beautiful sight,
We're happy tonight.
Walking in a winter wonderland.

Gone away is the bluebird,
Here to stay is a new bird
He sings a love song,
As we go along,
Walking in a winter wonderland.”

Những bài hát gây được nhiều thích thú:
Khán giả rất bất ngờ khi thấy Bảo Yến xuất hiện trên sân khấu Asia lần này với phong độ chững chạc và còn mang nhiều nét trẻ trung qua bài hát Chiếc Lá Cuối Cùng lừng danh của nhạc sĩ Tuấn Khanh, mà trước kia đã có rất nhiều ca sĩ khác nhau trình diễn. Giọng hát của Bảo Yến thật điêu luyện và cao vút như sở trường của cô ở loại nhạc này qua hơn 20 năm ca hát nhà nghề. Là một ca sĩ có cát-xê cao nhứt của thập niên 1980 ở Việt Nam, Bảo Yến đã kết hôn với nhạc sĩ Quốc Dũng sau khi cả hai yêu nhau từ năm 1982. Nhưng khi danh vọng đang lên cao, Bảo Yến đột ngột ngưng hát, lo cho gia đình và siêng năng ăn chay, niệm Phật, nghiên cứu kinh sách một thời gian dài. Cách đây hai năm, cô đã trở lại với sân khấu và lưu diễn nhiều nơi, và đã có những thay đổi trong tình cảm riêng tư khi "con tim đã vui trở lại' trong niềm hạnh phúc tột cùng với một "Quốc Dũng số 2" ở hải ngoại. Lần này, giọng hát và kỹ thuật trình diễn của Bảo Yến có phần già dặn hơn so với trước kia.

Trong khi đó, Y Phương với trang mục màu vàng xậm đứng im lìm như pho tượng đá ở công viên đón nhận những chiếc lá vàng rơi tới tấp của những ngày cuối thu. Giọng hát của Y Phương cũng cao vút ở bài hát này, không thua gì Bảo Yến và hai thế hệ ca sĩ đã hát chung liên khúc này rất hợp và rất hay. Một tiết mục thật đặc sắc cho phần mở đầu của đĩa hát số 2.

Một bài hát của một nhạc sĩ nổi tiếng "rất lãng mạn trong tình yêu" là Quốc Dũng cũng được trình bày ở đây. Đó là Hoang Vắng đã được Dalena và Henry Chúc diễn tả theo âm điệu jazz với phần phụ họa dương cầm trong lúc tập luyện và những bước nhảy thật nhẹ nhàng tình tứ đã tạo nên không khí mới lạ cho chương trình hôm nay. Tuy nhiên bộ quần áo nửa tây, nửa ta của Dalena mặc ở đây không được đẹp mắt cho lắm. Tính cho đến nay, Dalena đã hát nhạc Việt hơn hai mươi năm. Bài hát đầu tiên là “Qua Cầu Gió Bay” . Là một người Mỹ chính thống, Dalena sanh ra ở Indiana nhưng trưởng thành tại Florida. Năm 3 tuổi Dalena đã hát trước đám đông ở nhà thờ và trường học. Cô trở thành ca sĩ chuyên nghiệp năm 16 tuổi khi hát cho một nhà hàng ở Orlando. Sau khi thử hát tiếng Hoa, cô đã chọn tiếng Việt để tập luyện và rất thành công ở hải ngoại cũng như ở Việt Nam trong thời gian qua. Cô sáng tác nhạc bằng tiếng Anh, viết lời tiếng anh cho rất nhiều bài hát Việt Nam để ca song ngữ trong những album của cô. Riêng Henry Chúc là ca sĩ Việt Nam đầu tiên đã hát loại nhạc Rap từ năm 1992, nhưng sau này anh chuyển sang hát loại nhạc tình cảm êm đềm và rất thành công khi song ca với Dalena ở những lần lưu diễn khắp nơi. Giọng hát của họ thật êm ái, mượt mà như những lời ca:

Lúc em đến tình nồng ấm cúng
Xóa trong anh những ngày mịt mùng
Lúc em đến mộng đời rất xanh
Trời ngàn sao lấp lánh

Lúc ta nói ngàn lời yêu nhau
Sẽ bên nhau dài mãi sau
Có ai biết một lần sẽ đến
Tình rời chốn bình yên.

Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng đã trình làng bài hát mới nhất của anh là “Khi Ta Xa Rời Nhau” (còn có tên là “Phôi Pha Mùa Thu” qua giọng hát điêu luyện và có vẻ như chất chứa những tình cảm tha thiết của Lâm Thúy Vân. Đây là một bài hát rất thành công của chương trình này, nhưng phần giới thiệu của Lâm Thúy Vân hơi gượng ép khi cô giả giọng Trúc Hồ ở đây. Giai điệu của bài hát này rất tha thiết, như nuối tiếc một cuộc tình đã mất. Lời ca thì lại càng mang nhiều nhung nhớ ngập tràn cả tâm hồn như sự diễn tả của Lâm Thúy Vân, nhứt là những câu như:

Dù đã biết anh không thật lòng yêu em
Nhưng em vẫn không đành lòng quên anh
Như cơn mưa … cuộc đời rồi sẽ qua
Xin thật lòng … dù chỉ một lần thôi

Mùa thu đến cho cuộc tình phôi pha
Lòng thêm nhớ cho dù tim cố quên
Câu yêu thương, lời hẹn thề giờ trôi theo lá vàng
Yêu vội vàng, nên ta sớm mất nhau …

Vì sao …vì sao ta đã mất nhau?

Vì mặt trời không thể chia đôi
Và mặt trăng muôn đời lẻ loi ….


Bài hát “Bên Em Là Biển Rộng” được nhạc sĩ Bảo Chấn kể lại như sau trong một lần trả lời phỏng vấn: “Bên em là biển rộng được viết trong một lần đi sáng tác với Dương Thụ. Lần ấy, đi chơi bên hồ Tuyền Lâm, nhìn sang phía bên kia hồ, tôi thấy một bầy các cô gái và chàng trai nắm tay nhau vui chơi hồn nhiên trên thảm cỏ. Tôi nảy ra cảm hứng viết bài "Hoa cỏ mùa xuân" và "Bên Em Là Biển Rộng". Tôi nhớ có bài báo đã phê bình bài này của tôi có đoạn "Người vừa hiền khô dễ thương lại vừa đẹp trai nhất vùng đến theo cùng hoa cỏ mùa xuân" là thô, là suồng sã. Tôi cảm thấy rất buồn.. Tuy nhiên những lời phê bình khiến tôi phải suy nghĩ khi sáng tác. Sau này tôi rẽ sang khuynh hướng khác, sáng tác chau chuốt hơn cả về nhạc và lời như các bài Dường như, Dấu vết, Rồi anh lại đến. Dù gì, tôi vẫn tự tin thừa nhận mình là một trong những người bổ nhát cuốc đầu tiên vào cái mạch ngầm dòng nhạc trẻ thập niên 90 ”.

Được biết, nhạc sĩ Bảo Chấn đã sáng tác hơn 100 ca khúc. Ông sanh năm 1950 tại Huế, là con trai của nhạc sĩ Vĩnh Phan và nữ nghệ sĩ ca Huế là Bích Liễu. Năm 8 tuổi ông đã được đặc cách tuyển thẳng vào trường nhạc. Năm 18 tuổi ông đã nổi tiếng về ngón đàn dương cầm. Sau khi tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn năm 1968, ông chuyên về lãnh vực hòa âm phối khí. Ông gặp Trúc Hồ trước năm 1975 khi phụ giảng ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trúc Giang (thân phụ của Trúc Hồ). Thời gian gần đây, khi đi du lịch ở Mỹ, nhạc sĩ Bảo Chấn đã cộng tác với Trung Tâm Asia trong việc soạn hòa âm (như bài Khóc Mẹ Đêm Mưa ở Asia 52). Sự kết hợp của hai tiếng hát Ánh Minh và Don Hồ ở đây rất thành công với âm hưởng của bài hát này như có nét Đông Phương quyến rủ trong đó qua vũ điệu của xứ Phù Tang. Ánh Minh và Don Hồ đã hát:

Tình ơi sao đi mãi nên sông dài mênh mông
Bàn tay ôm nỗi nhớ xôn xao biển rộng
Vì em mất anh mất anh
Mùa xuân đã qua rất nhanh
Còn chăng nỗi đau nỗi đau tuổi xanh

Tình anh như cơn lũ cuốn đôi bờ mưa giông
Tình em như sông vắng trong xanh phẳng lặng
Mùa thu đã qua đã qua
Mùa đông đã sang đã sang
Tình đã ra đi vội vàng

Phiên Khúc Mùa Đông của cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang là một trong những bài hát được ban Phượng Hoàng ngày xưa trình bày, đã thổi vào âm nhạc Việt Nam thập niên 1960s những sinh khí mới mẻ, tươi mát, sáng sủa và thiết tha hơn với cuộc sống. Phần trình bài của Khải Tuấn và Minh Thông cùng Dạ Nhật Yến rất sống động, nhịp nhàng. Nếu cho Ánh Minh hát bài này thay vì Dạ Nhật Yến thì có lẽ cũng rất thành công, vì ở chương trình Asia 53 này Dạ Nhật Yến đã xuất hiện cả thảy ba lần thì hơi nhiều so với các ca sĩ khác.

Những nét đặc sắc khác của chương trình Asia 53:
Với một chương trình vui tươi sống động như Asia 53, có thể nói đa số khán giả đều ưa thích những bài hát của chương trình này. Riêng tiết mục cổ nhạc kỳ này đã tạo nên một nét khá đặc biệt với trích đoạn vở tuồng cải lương Hồ Quảng “Chung Vô Diệm”. Điểm thú vị khác là sự hiện diện bất ngờ của nghệ sĩ lão thành Tấn Tài, người được mệnh danh là “Hoàng Đế Đĩa Nhựa” của bộ môn cải lương ngày xưa, vì ông từng thu thanh rất nhiều tuồng hát vào đĩa nhựa của các hãng Asia và Việt Nam. Có người sẽ khó chịu khi nghe Trịnh Hội kêu ông bằng “anh” vì dù sao tuổi tác và vai vế của Trịnh Hội cũng chỉ ngang hàng với hai danh hài Tấn Beo và Tấn Bo (là hai người con trai của nghệ sĩ Tấn Tài) mà thôi. Cách đây hơn bốn chục năm nghệ sĩ Tấn Tài đã cùng Phượng Liên, Bạch Tuyết đóng tuồng “Chung Vô Diệm” của hai soạn giả Loan Thảo, Thể Châu và tuồng “Chung Vô Diệm” này cũng được nghệ sĩ Thanh Tòng chuyển thể qua loại cải lương Hồ Quảng sau này. Sở trường của Ngọc Huyền là hát cải lương, vì cô đã thi đậu vào trường nghệ thuật sân khấu năm 1982 khi vừa đúng 12 tuổi (rất trẻ). Hai năm sau, Ngọc Huyền đã bắt đầu đóng những tuồng cải lương dài với những nghệ sĩ danh tiếng khác. Tính cho tới nay cô đã trình diễn hàng trăm tuồng cải lương đủ mọi đề tài. Nhưng nhiều khán giả vẫn còn nhớ tuồng “Xử Án Phi Giao” đã đưa tên tuổi Ngọc Huyền lên hàng nghệ sĩ ưu tú trong nước. Ngoài tài nghệ diễn xuất và ca múa, Ngọc Huyền cũng có khả năng “chỉnh lý” kịch bản, nghĩa là sửa chữa và viết lại lời ca, đối thoại sao cho phù hợp với những trích đoạn cải lương như vở “Chung Vô Diệm” này. Riêng Tuấn Hùng là nghệ sĩ quen thuộc với khán giả ở California nhiều năm nay qua ban kịch Trần Hùng và những DVD cải lương như “Lá Sầu Riêng”, “Con Gái Chị Hằng”… Trước kia anh đã hát bài tân cổ “Ông Đồ” trong Asia 39 Tìm Lại Mùa Xuân. Giờ đây, anh diễn xuất rất chững chạc với Ngọc Huyền trong những bộ trang phục thật lộng lẫy và cảnh trí rất huy hoàng của một cung điện ngày xưa. Màn này thật tốn kém về tài lực và vật lực và cũng rất khó dàn dựng, cắt ráp cho hấp dẫn. Nhưng phải công nhận là sân khấu và y phục của các diễn viên và vũ công ở phần trích đoạn cải lương này thật xuất sắc so với những sân khấu cải lương ngày xưa ở quê nhà. Điều này cũng đã gây thích thú cho các khán thính giả khắp nơi của Asia.

Gần đây, “Chung Vô Diệm” đã được thực hiện thành phim bộ Trung Quốc dài 30 tập. Nếu ai đã từng xem bộ phim này thì sẽ biết rành câu chuyện Chung Vô Diệm, tuy có gương mặt rất không hợp lệ nhưng tài nghệ võ thuật phù phép thì không ai bằng. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tề Tuyên Vương là một ông vua háo sắc có tiếng, nhưng nhu nhược và bất tài. Trong một lần săn bắn đi lạc vào vườn dâu, ông đã tạo nên mối kỳ duyên với Chung Vô Diệm và bị buộc phải tấn phong nàng làm Hoàng Hậu. Nhờ Chung Vô Diệm năm lần động binh diệt chư hầu định an bá tánh, giúp vua Tề làm nên nghiệp Bá. Nhưng ba lần, nàng bị Tề Tuyên Vương giam lõng trong lãnh cung, vì vua Tề bị “Hồ Cốc Tứ Tuyệt” là Xuân, Hạ Thu, Đông vào cung quyến rũ. Khi có giặc ngoại xâm không ai cự nổi thì vua Tề cũng phải nghe theo lời của Thừa Tướng Yến Anh đến lãnh cung mời Chung Vô Diệm ra giúp nước. Vì nàng đã được sư phụ ban phép mầu và bửu bối chống được giặc, thay đổi dung mạo cho đẹp hơn và thức tỉnh được vua Tề, nên tuồng hát kết thúc bằng cảnh trùng phùng thật đẹp đôi và hạnh phúc. Nhưng tiếc là ở phần này, không thấy MC giới thiệu phần tóm tắt cốt truyện của tuồng hát này. Việc trình diễn trích đoạn cải lương là tiết mục rất đặc sắc ở chương trình này, mong là Asia sẽ còn tiếp tục thực hiện những màn tương tự sau này, nhứt là cho dàn dựng sân khấu với loại y phục lộng lẫy nhiều màu sắc của thời xưa.

Trong những năm gần đây, vấn đề kịch bản và đề tài mới lạ dành cho những kịch sĩ chuyên nghiệp như Quang Minh-Hồng Đào là một trong những khó khăn hàng đầu trước nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả càng lúc càng cao. Đề tài cần phải mới lạ, đối thoại phải phong phú, đa dạng và chọc cười càng nhiều càng tốt và tránh lập lại những đề tài xưa cũ. Hài kịch “Vào Xuân” của Hồng Đào sáng tác ở chương trình Asia này đã đáp ứng một phần nhỏ cho không khí vui xuân cho nhiều khán giả ở nhà. Bên cạnh những nét dí dõm rất sống động và rất thực tế đang xãy ra ở một gia đình người Việt hải ngoại, là những vấn đề khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong việc thông cảm với nhau. Trong đó có việc làm sao giáo dục con cái trong gia đình ở xã hội Mỹ ngày nay, như ẩn chứa lời kêu gọi cha mẹ hãy cùng hiểu biết những suy nghĩ, tâm tư và tình cảm của giới trẻ để gần gũi và thông cảm với nhau nhiều hơn. Nhứt là ở thời đại internet đang thống trị toàn cầu như hiện nay, giới trẻ càng rời xa cha mẹ hơn mà lại dành nhiều thời giờ để ‘chat’ với bạn bè, hay là ở ‘myspace, YouTube’ hoặc nghe nhạc trên ipod hay bận rộn với những text messages (SMS) càng lúc càng nhiều hơn. Vì vậy, hài kịch này cũng đã nêu ra được một thực trạng đang từng bước xãy ra cho nhiều gia đình. Những bậc cha mẹ cũng có thể thấy thấp thoáng hình ảnh của mình trong đó, để ưu tư trăn trở mà tìm cách giải quyết vấn đề. Ở đây khán giả còn có dịp nhìn thấy cô con gái nhỏ của Quang Minh và Hồng Đào là Sophia (năm nay 4 tuổi) và hai diễn viên trẻ tuổi khác là Neil Đặng và Thi Phan cùng nhau diễn xuất rất tự nhiên, khá thành thạo trong vai trò được giao phó. Một vở kịch không phải là xuất sắc lắm, nhưng cũng có tính cách xây dựng một cách nhẹ nhàng và khá hợp với chủ đề của Asia 53.

Những thông điệp kín đáo đàng sau chủ đề “Bốn Mùa, Màu Sắc Của Tình Yêu”:
Qua những tiết mục vui nhiều hơn buồn ở chương trình này xoay quanh bốn mùa của chủ đề và chào đón một mùa Xuân mới, cuồn Asia 53 này đã mang đến cho khán thính giả những giờ phút giải trí thật thoải mái với những kỷ niệm khó quên của thời xưa cũ ở quê nhà cũng như những sinh hoạt thật gần gủi sát với đời sống hiện nay của chúng ta. Bỏ qua những khuyết điểm nhỏ về mặt kỹ thuật cắt ráp phim, hoặc những màn đùa giỡn khá táo bạo, có khi quá trớn mà không bị kiểm duyệt của các MC thì nhìn chung DVD Asis 53 kỳ này rất thành công về phần nội dung cũng như hình thức.

Nhưng đàng sau những màu sắc rực rỡ và âm thanh sống động của một chương trình Đại Nhạc Hội Asia, là các thông điệp kín đáo mà nhóm thực hiện chương trình đã nhắn gửi đến tất cả khán giả của Asia như sau:

(1).Hiện tượng “Nóng Ấm Toàn Cầu” (Global Warming) đã tới mức báo động và trách nhiệm của tất cả chúng ta phải góp một bàn tay để làm sao cho địa cầu bớt ấm. Trong thời gian gần đây hầu như mọi người, mọi quốc gia đều chú ý tới đề tài này, qua những lời báo động, hội thảo diễn ra khắp nơi. Nhứt là mới đây vừa hay tin cựu Phó Tổng Thống Mỹ là Al Gore đã được đề cử làm ứng viên tranh giải Nobel Hòa Bình năm nay, vì những nổ lực của ông nhằm kêu gọi sự giảm thiểu những tác hại của hiện tượng địa cầu ấm dần lên (như đoạn video clip mà Trịnh Hội đã giới thiệu). Ngoài ra, ở chương trình Asia 53 này Trịnh Hội và Leyna cũng đã gửi lời nhắn nhủ cho mọi người thật là đúng lúc qua hai ngôn ngữ Việt và Anh.

(2).Mùa Lũ Lụt ở quê nhà và những khổ nạn mà đồng bào và thân nhân của chúng ta đã và đang gánh chịu như lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Ngài là một tu sĩ, nhà văn, nhà biên khảo, nhà soạn tự điển (tên thật là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1928 tại Thái Bình) nhưng cũng còn là một trong những người xả thân vận động quyên góp để cứu trợ cho đồng bào nạn nhân bão lụt để bị giam cầm và lưu đày trên chính quê hương của mình. Năm 2006 ngài đã được trao giải nhân quyền Rafto ở Na Uy và nhiều lần được đề nghị tranh giải Nobel Hòa Bình. Năm nay Hòa Thượng lại được đề nghị làm ứng viên cho giải Nobel Hòa Bình 2007 một lần nữa ( vậy là Hòa Thượng TQĐ sẽ tranh giải cùng cựu Phó Tổng Thống Al Gore kể trên).

(3).Sự tiếp nối của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và bảo vệ màu cờ tổ quốc cũng như tri ân những người đã hy sinh để bảo vệ tự do và dân chủ. Đó là phần xuất hiện đặc biệt của Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến Michael Đỗ (sanh năm 1976) qua những lời tâm sự rất cảm động của anh dành cho đồng hương khắp nơi. Được biết vào ngày Tết Nguyên Đán năm nay, Đại Úy Michael Đỗ cũng sẽ trở về thành phố San Jose tham gia vào cuộc diễn hành đón Tết rất long trọng của Cộng Đồng Người Việt với sự góp mặt của rất nhiều đoàn thể và cư dân địa phương (Chủ Nhật 18.2.2007).

(4).Trung Tâm Asia không những là người bạn tâm giao và đồng hành của người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ trên toàn thế giới; mà đặc biệt còn trở thành diễn đàn để cho các văn nhân, nghệ sĩ đang sống trong nước có cơ hội phát biểu tư tưởng cùng chia sẻ những sáng tác và đóng góp tài năng của mình. Điển hình là các sáng tác của Trần Tiến, Thanh Tùng, Quốc Dũng, Bảo Chấn ..v..v..hay các lời phát biểu của nhà thơ Hữu Loan, Hoàng Cầm, Hòa Thượng Thích Quảng Độ ..v.v..hoặc xuất hiện trực tiếp trên sân khấu như nghệ sĩ lão thành Tấn Tài và ca sĩ Bảo Yến được mời từ Việt Nam sang.

Tóm lại, trong khi chờ đợi những chương trình kế tiếp của Asia, chúng ta có thể xem đi xem lại cuồn DVD Asia 53 này, để thưởng thức những tiết mục mình yêu thích, hay có dịp suy gẫm về cuộc đời, hoài niệm về dĩ vãng hoặc băn khoăn trước tương lai để cùng chia sẻ những thông điệp thầm kín của ban tổ chức đã âm thầm gửi gấm qua chương trình ca nhạc thật ý nghĩa này.