LS Lê Thị Công Nhân và “Những Thiên Thần Trong Bóng Tối”
Ở Chương Trình Asia 56.
Trong chương trình đại nhạc hội trực tiếp thu hình cho Asia 56 vừa qua, nhận thấy tiết mục được hàng ngàn khán giả hiện diện hoan nghinh và tán thưởng nhiều nhất là bài hát “Những Thiên Thần Trong Bóng Tối” do hai ca sĩ Y Phương và Diễm Liên trình bày. Sau đó toàn thể nghệ sĩ góp mặt trong chương trình Asia 56 đã cùng nhau cất vang tiếng hát để tiếp tục ngợi ca “Những Thiên Thần Trong Bóng Tối” với những tràng pháo tay dường như không ngớt của khán giả trước phút chia tay.
Ðây là một sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Trúc Hồ viết ra để vinh danh cho những tù nhân lương tâm và những chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ ở khắp nơi trên thế giới. Trong số đó có nữ luật sư Lê Thị Công Nhân đang bị giam cầm ở Việt Nam. Như vậy, nếu bài hát này được dùng để kết thúc cho chủ đề “Yêu Người, Yêu Đời” thì có hợp tình hợp lý hay không? Xin thưa là rất hợp lý, tại vì trong suốt chương trình Asia 56 chúng ta đã thưởng thức những bài hát về quê hương, tình người, tình yêu đôi lứa và đã gặp những cá nhân, hội đoàn với tình thương bao la nhân ái đã và đang giúp đỡ cho nhiều người bất hạnh, cơ hàn(qua các video clips). Chúng ta cũng gặp những hoa hậu, người mẫu với nhan sắc và thời trang rực rỡ của mùa Hè.
Nhưng cũng vào cùng thời gian này ở khắp mọi nơi (trong cũng như ngoài nước VN) đang còn có những ý chí tranh đấu kiên trì cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội của những người Việt Nam. Những người tù lương tâm đang bị giam cầm, áp bức ở trong nước và những chiến sĩ tự do ở khắp nơi đã được nhạc sĩ Trúc Hồ đặt cho tên gọi là “Những Thiên Thần Trong Bóng Tối”.
Có thể nói, trong “bóng tối” của sự đàn áp và bất công, họ là những vị “thiên thần” đã đem ánh sáng soi đường dẫn lối cho lương tâm của nhân loại. Trong “đêm đen” của lịch sử, họ là những “thiên thần” dẫn dắt dân tộc giành lại tự do, công bình, bác ái cho một bình minh tươi sáng của Việt Nam.
Nữ ca sĩ Diễm Liên và Y Phương đã mở đầu bài hát “Những Thiên Thần Trong Bóng Tối” bằng những lời ca đơn giản nhưng với một giai điệu êm ái mượt mà như đưa mọi người về chốn quê nhà yêu dấu vào thuở ấu thơ:
“Từ khi tôi chào đời
Bập bẹ hai tiếng “VIỆT NAM”
Yêu quê hương qua từng trang sách …
Hùng Vương, Phù Đổng rạng ngời …
Trải qua bao thời đại …
Thăng trầm theo những buồn vui …
Quê hương sau ngày lửa khói …
“TỰ DO, HẠNH PHÚC” ... xa vời …”
Phụ họa cho những câu hát này là đoạn phim video clip về một người con gái phi thường của đất nước Việt Nam ngày nay. Ðó là nữ luật sư Lê Thị Công Nhân. Tuy cô được sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam (tỉnh Tiền Giang - Mỹ Tho) vào năm 1979, nghĩa là được giáo dục hoàn toàn dưới chế độ Cộng Sản, nhưng tâm hồn cô không Cộng Sản chút nào. Thay vì nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của mình, với một nghề nghiệp vững chắc trong một gia đình êm ấm, cô Lê Thị Công Nhân lại chọn con đường đầy chông gai, hiểm trở và sẵn sàng chấp nhận tù đày để tranh đấu cho hạnh phúc của toàn dân.
Người thiếu nữ nhỏ bé này đã can đảm đứng lên đòi hỏi Tự Do, Dân Chủ, Công Bằng và Bác Ái cho Việt Nam. Cô thật xứng đáng là một thần tượng mới nhất của tuổi trẻ Việt Nam ở khắp nơi. Theo lời thân mẫu của Lê Thị Công Nhân thì cái tên “Công Nhân” của cô có nghĩa là Công Bằng và Nhân Ái, hai yếu tố cần phải có trong một xã hội tốt đẹp, mà Mẹ cô luôn luôn ước nguyện cho Việt Nam. Ðúng như tên gọi, từ nhỏ cô bé “Công Nhân” đã ước ao trở thành một luật sư tài giỏi để có thể đấu tranh cho người dân trong một chế độ độc tài và áp bức.
Cô tốt nghiệp Cử nhân Luật vào năm 2001 khi vừa tròn 22 tuổi và đã bắt đầu viết nhiều bài tham luận chỉ trích Tổng Công Đoàn Việt Nam làm tay sai cho chính quyền, tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, và cô kêu gọi quốc tế hỗ trợ để thành lập Công đoàn độc lập cho giới công nhân VN. Cô cũng là người rất tích cực trong việc mở các lớp học về dân chủ và nhân quyền.
Luật sư Công Nhân cũng là phát ngôn nhân của đảng Thăng Tiến (Vietnamese Progressive Party) và là thành viên của khối 8406 (là khối chính trị được thành lập ngày 8 tháng 4 năm 2006) cùng với luật sư Nguyễn Văn Đài và linh mục Nguyễn Văn Lý.
Sau nhiều lần bị công an thẩm vấn, tháng 3 năm 2007 cô đã bị bắt giam và bị kêu án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Cô thản nhiên đi vào nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội và đã tuyên bố như sau:
“-Nhà cầm quyền CSVN là một nhà cầm quyền phi nhân đạo, phi nhân bản, chuyên áp dụng bạo lực để đàn áp.
-Họ đã tịch thu tất cả quyền lãnh đạo đất nuớc và xã hội vào một nhóm người nhỏ bé để truờng kỳ thực hiện thi hành một chế độ độc tài.
-Tôi khẳng định với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đất nước và dân tộc VN, tôi sẽ đấu tranh tới cùng cho dù chỉ còn có một mình tôi tranh đấu.
-CSVN đừng mong chờ bất kỳ một điều gì gọi là thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi.”
(LTCN- 11.5.2007)
Lời kêu gọi của nữ anh thư trẻ tuổi này đã được nhạc sĩ Trúc Hồ viết thành những lời ca sau đây:
“Bạn hãy cùng tôi ….
Thắp lên ngọn đuốc Việt Nam
Tình yêu, tự do, công lý
Bình an, hạnh phúc cho người …
Bạn hãy cùng tôi ….
Bước theo ngọn đuốc Việt Nam
Niềm tin ngày mai tươi sáng
Hiến dâng cuộc sống cho đời …”
Những lời phát biểu thật can trường và dũng cảm của luật sư Lê Thị Công Nhân chính là tiếng nói lương tâm của những người Việt Nam chân chính, cộng thêm với hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước tòa án như tiêu biểu cho cái gọi là Công Lý của CSVN, khiến cho mọi người bàng hoàng xúc động. Gương tranh đấu của những thành viên khối 8406 và sự đàn áp dã man của chính quyền CSVN đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Chính nhị vị Tổng Thống và Phó TT Hoa-Kỳ đã liên tiếp gặp gỡ và trao đổi ý kiến với đại diện của các hội đoàn người Mỹ gốc Việt để lắng nghe báo cáo trung thực về tình trạng nhân quyền ở VN. Nhưng đáng kể nhất là cộng đồng người Việt hải ngoại ở khắp nơi đã có những cuộc biểu tình rầm rộ, những đêm thắp nến nguyện cầu ... để ủng hộ cho lập trường đấu tranh của những nhà đối kháng và người dân thấp cổ bé miệng nơi quê nhà. (Tiêu biểu nhất vẫn là linh mục Nguyễn Văn Lý, hòa thượng Quảng Độ, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, bác sĩ Nguyễn Đan Quế ..v..v..và hàng ngàn đồng bào bất chấp hiểm nguy để biểu tình khiếu kiện để đòi hỏi công bằng và tài sản bị cướp đoạt.)
Với sự ngưỡng mộ những tấm lòng quả cảm và anh dũng này, nhạc sĩ Trúc Hồ đã kết thúc bài hát để vinh danh cho những người tù lương tâm và chiến sĩ dân chủ bằng những lời ca như sau:
“NHỮNG THIÊN THẦN TRONG BÓNG TỐI
Mang ánh sáng … vào nơi tối tăm
Mang tình yêu … xóa tan hận thù
Mang tự do, công bình, nhân ái
Cho Việt Nam ngày mai … ngời sáng
VIỆT NAM, VIỆT NAM, VIỆT NAM...”
(Lời bài hát “Những Thiên Thần Trong Bóng Tối”, Asia 56)
Bài hát được tất cả nghệ sĩ hiện diện của Trung Tâm Asia cùng nhau cất cao tiếng hát để gửi lời chào tạm biệt khán giả ở chương trình Asia 56, nhưng cũng là lời ca của một thông điệp chan chứa tình người của những tấm lòng yêu mến nghệ thuật, trân trọng gửi đến đồng bào khắp nơi trên toàn thế giới, để góp sức vào công cuộc tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam.
Ca khúc “Những Thiên Thần Trong Bóng Tối” chứng tỏ là nhạc sĩ Trúc Hồ và các nghệ sĩ của Trung Tâm Asia đã dùng nghệ thuật để phục vụ rất tích cực cho công cuộc đấu tranh cho nhân quyền của hàng triệu người Việt Nam. Những vị “thiên thần” đã và đang tranh đấu cho người và cho đời để mọi người được cùng nhau “Yêu Đời và Yêu Người”.
(3.9.2007)