Wednesday, September 9, 2009

*Nhận Xét Về DVD Asia 59 "Bốn Mùa 2 : Một Thời Để Nhớ"



Nhận Xét Về DVD Asia số 59 “Bốn Mùa # 2 : Một Thời Để Nhớ”

Nhận xét một cách tổng quát thì đây là một chương trình đại nhạc hội ca vũ nhạc kịch hoàn toàn có tính cách giải trí đặc sắc với nhiều hình ảnh, màu sắc rực rỡ, tươi đẹp biến chuyển theo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trên sân khấu với những trang phục lộng lẫy của các nghệ sĩ, vũ công và những người mẫu làm phụ diễn. Điều này chứng tỏ là Trung Tâm Asia đã thực hiện một đại nhạc hội rất tốn kém về mọi mặt để đáp ứng lại những yêu cầu khắp nơi sau sự thành công của Asia 53 “Bốn Mùa : Màu Sắc Tình Yêu” lần trước (đã được khán thính giả bầu chọn là DVD xuất sắc nhứt của năm 2007).

Về phần nội dung của chương trình Asia 59 “Một Thời Để Nhớ” thì lại càng phong phú và đa dạng hơn với phần thảo luận của các MC về nhiều lãnh vực trong cuộc sống trước đây ở quê nhà như âm nhạc, tình yêu, chiến tranh, chia ly …và nhìn lại phong trào nhạc trẻ do sự du nhập ồ ạt của văn hóa Âu Mỹ, bộ môn kịch nghệ ngày xưa ở trong nước và bây giờ ở hải ngoại (với khách mời danh dự là nữ kịch sĩ Túy Hồng của ban kịch Sống). Bên cạnh đó là việc vinh danh những nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến nhiều tác phẩm “để đời” cho kho tàng âm nhạc Việt Nam (được chọn lọc dành riêng cho chương trình này) như các nhạc sĩ Đan Thọ, Khánh Băng, Trịnh Hưng, Anh Bằng, Lam Phương, Lê Uyên Phương… Ngoài thành phần ca sĩ nồng cốt của Trung Tâm Asia mà nổi bật là những khuôn mặt trẻ trung, vui tươi và những giọng hát hàng đầu của nền ca nhạc hải ngoại, khán giả đặc biệt chú ý đến sự trở lại lần này của hai ca sĩ Philip Huy và Diễm Liên sau một thời gian dài vắng mặt trên sân khấu Asia. Hai ca sĩ khác cũng rất được nhiều khán giả ưa thích và yêu cầu trở lại là Lê Uyên (trong liên khúc Lê Uyên Phương) và Paolo (trong liên khúc nhạc trẻ với Thanh Lan). Đó là những tiết mục được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiều nhất.

Phần MC kỳ này thì ngoài những MC chính là Nam Lộc, Việt Dzũng, Thùy Dương còn có sự xuất hiện đặc biệt của xướng ngôn viên từ đài truyền hình SBTN là cô Bảo Châu. Nhiều người vẫn còn nhớ là trước đây cô Bảo Châu đã có làm MC cho một chương trình video của Asia với giọng nói rất trong trẻo, ngọt ngào, vui vẻ và một khuôn mặt xinh tươi, khả ái. Bất ngờ và đặc biệt khi thấy Bảo Châu ở đây là vì trong poster quảng cáo không có ghi tên của cô. Bên cạnh MC duyên dáng Thùy Dương, MC trẻ trung Bảo Châu đã tạo thêm phần không khí sôi động ở những màn phỏng vấn ca sĩ trên sân khấu và đối thoại trực tiếp với khán giả tham gia đại nhạc hội đang ngồi bên dưới.

Ngoài ra, bốn MC này của chương trình cũng đã đại diện cho 4 mùa trong năm, mỗi người mỗi vẻ tùy theo cá tính và vóc dáng mà tiêu biểu cho từng mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Những màn đối thoại giữa các MC với nhau thật đặc sắc với những mẫu chuyện dí dõm tự nhiên, không gượng ép nên đã tạo nhiều bất ngờ cho khán giả được thưởng thức những giây phút thật vui nhộn. Những màn phỏng vấn dành cho các nghệ sĩ cũng khá nhiều nhưng không đi quá xa khỏi chủ đề khi họ đã cùng nói lên tâm sự riêng tư với khán giả về “một thời đáng nhớ” của họ trên vạn nẽo đường đời.

Những Tiết Mục Đặc Sắc:

Đáng chú ý nhứt ở các chương trình đại nhạc hội luôn luôn là phần mở màn. Khán giả đã ngạc nhiên với một sân khấu vô cùng huy hoàng, tráng lệ của khung cảnh thiên nhiên toàn một màu xanh thẫm của rừng thông Đà Lạt hay cao nguyên mưa rừng gió núi nào đó của quê hương xinh đẹp như sừng sững hiện về trước mắt. Những ánh đèn màu chói chang đã tạo nên ánh sáng rực rỡ như chiếu rọi từ bầu trời để soi sáng nhân gian. Lâm Thúy Vân đã đứng cô đơn giữa những cơn mưa nhè nhẹ mà cất lên tiếng hát:

“Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ
Hàng cây dật dờ rụng hoa tàn úa
Buồn chìm vào mắt đen
Người con gái hát một mình
Bài hát buồn như cuộc tình ….”


Đây là một trong những bài hát đầu tay của nhạc sĩ Đức Huy viết vào năm 1969 rất được yêu thích. Sau đó là những ca sĩ Philip Huy, Lâm Nhật Tiến rồi Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Quốc Khanh, Ánh Minh và Đoàn Phi lần lượt hát tiếp theo liên khúc với “Mùa Thu Trong Mưa” của Trường Sa và “Tiếng Mưa Đêm” của Đức Huy. Khán giả đã say mê thưởng thức 9 tiếng hát ở phần mở màn này cùng với 10 vũ công phụ diễn ở phía sau. Các vũ công đã di chuyển với những giải lụa màu trắng như những đám mây bay ngang bầu trời và sau đó là những giọt mưa nhiều màu từ phía trên rơi xuống. Tất cả những hình ảnh, âm thanh và ánh sáng này đã gợi nhớ lại một thời xa xưa cũ của vùng trời kỷ niệm trong tâm thức của nhiều người hiện diện hôm nay.

Khán giả cũng ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện trở lại trên sân khấu Asia của danh ca Philip Huy sau một thời gian dài vắng bóng, vì không thấy tên của anh trong poster quảng cáo. Ở phần sau của chương trình Philip Huy đã trả lời phỏng vấn của MC Thùy Dương và còn song ca với Mỹ Huyền một bài hát khá buồn. Philip Huy vẫn giữ đầy đủ phong độ ngày xưa, bên cạnh các ca sĩ bạn và những ca sĩ đàn em vừa mới hát chung với nhau lần đầu ở liên khúc mở màn này. Với một chủ đề tuy nghe có vẻ rất giản dị là “Một Thời Để Nhớ”, nhưng đi sâu vào nội dung thì lại vô cùng phức tạp vì chủ đề này bao gồm rất nhiều chi tiết phụ và việc lựa chọn những bài hát cho từng mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cùng với việc vinh danh nhiều nhạc sĩ tên tuổi, nên chúng ta sẽ thấy phần liên khúc và song ca vượt trội hơn những màn đơn ca. Nhưng có những tiết mục ghép thành liên khúc của hai bài hát nối liền với nhau rất đáng chú ý và được nhiều người tán thưởng sau những video clip tài liệu giới thiệu và vinh danh nhạc sĩ.

*Liên khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” và “Chiều Tím” sau phần vinh danh nhạc sĩ Đan Thọ:

Hai khuôn mặt mới nhứt của TT Asia là Bích Vân và Hồ Hoàng Yến (ra mắt khán giả lần đầu tiên ở Asia 58 “Lá Thư Từ Chiến Trường”) đã trở lại bằng hai bài hát rất được nhiều người yêu thích qua những giai điệu nhẹ nhàng và mượt mà của một thời yêu đương với những lời ca đầy lãng mạn qua tiếng dương cầm nhẹ nhàng trong khung cảnh sân khấu của mùa Xuân qua những tia nắng vàng chiếu trên mái tóc người ca sĩ. Bích Vân đã chinh phục khán giả với kỹ thuật điêu luyện qua bài hát này cũng như lần trước ở chương trình Asia 58. Ngoài tài ca hát, Bích Vân còn sử dụng thành thạo piano và sáng tác nhiều ca khúc âm nhạc, nên tương lai của cô sẽ còn hứa hẹn những sự thành công rất nhiều. Ở chính giữa sân khấu là một đóa hoa hồng khổng lồ hiện ra trên màn hình và chung quanh là màu sắc rực rỡ của mùa Xuân điểm tô trên những cành cây. Bích Vân đã diễn tả mùa Xuân với những lời ca như sau:

“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa Xuân này đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn…”


Mùa Xuân Đầu Tiên” là một bài hát vui tươi, nhẹ nhàng, tràn đầy hy vọng của đời sống sau những khổ nạn do chiến tranh, chia cắt, loạn lạc triền miên suốt nhiều năm dài. Đó là một mùa Xuân thật bình thường, giản dị nhưng vô cùng trong sáng mà nhiều người mơ ước hoài những vẫn chưa có được sau những tháng năm miệt mài, bon chen, vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Ít ai biết đây là một bài hát của cùng một tác giả của những “Suối Mơ”, “Bến Xuân”, “Thiên Thai” và “Buồn Tàn Thu” hồi thời tiền chiến. Có thể nói đây là một nhạc phẩm duy nhất của cố nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác lại sau nhiều năm dài ngưng viết khi cộng sản nắm chính quyền ở miền Bắc và nhứt là sau vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” lúc bản thân ông bị trù dập tơi bời. Dân chúng ở miền Nam chỉ biết bài hát này vào những ngày gần Tết của năm 1976, khi các loa phóng thanh và đài truyền thanh ra rã hát nhiều lần với tiết điệu valse thật êm ái bên cạnh những bài hát tuyên truyền sắt máu vào thời đó như “Tiếng Ðàn Ta-Lư” hay “Cô Gái Vót Chông”...

Trong hồi ký “Đại Học Máu” của nhà văn kiêm nhạc sĩ Hà Thúc Sinh có kể lại một giai thoại liên quan đến bài hát này. Chuyện xảy ra trong trại cải tạo lúc gần Tết, các tù binh chuẩn bị tập hát để trình diễn văn nghệ ở hội trường giữa những người bạn tù với nhau như một đặc ân hiếm hoi sau vài tháng bị giam cầm. Trong lúc họ đang tập hát bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” này thì một cán bộ cộng sản đã nghe được và bảo phải ngưng tập. Lý do là vì đây là một bài hát vô cùng phản động từ giai điệu “van-xờ” của bọn đế quốc tư bản cho đến “ca từ” của bài hát. Trong lúc cả nước đang “hồ hởi phấn khởi” vì “Ðại Thắng Mùa Xuân” mà bài hát này lại viết là “mùa Xuân bình thường” ??? Làm sao mà “bình thường” cho được? Một bài hát đi ngược lại với chủ trương và đường lối của Đảng CSVN lúc đó. Điều này chứng tỏ những người cộng sản rất khắt khe trong việc kiểm duyệt những bài hát. Đó là chưa kể đến việc tất cả những tác giả tác phẩm âm nhạc nào được sáng tác ở miền Nam trước năm 1975 đều bị cấm lưu hành và trình diễn vào thời điểm đó.

Còn nhớ là ở những buổi văn nghệ mừng Xuân 1976 ở các khuôn viên trường đại học khắp nơi hoặc các lần hội diễn văn nghệ toàn thành, dân chúng đều nghe được bài hát “Mùa Xuân Đầu Tiên” này do các sinh viên, giáo chức cùng hợp ca hay có lúc đơn ca. Vì đó là một trong số ít những bài hát còn có thể “thưởng thức” được trong hoàn cảnh tuyệt vọng, chán chường bên cạnh những người chủ mới ở miền Nam. Nhưng sau đó là thời bao cấp, rồi kinh tế thị trường xãy ra ở Việt Nam, nên bài hát này đi dần vào quên lãng của bà con trong nước và ở hải ngoại thì ít ai còn nhớ đến bài hát này. Hôm nay, Bích Vân lại làm sống lại kỷ niệm của biết bao nhiêu người đã từ lâu hằng ước mơ được hưởng một mùa Xuân bình dị trên quê hương với tiếng gà gáy trưa bên kia sông, với khói bay là đà trên sông vắng ở miền quê thanh bình. Ðó cũng là lòng mong ước của cố nhạc sĩ Văn Cao mang đầy tính nhân bản, nhưng ngày ấy chắc vẫn còn xa xăm lắm. Ông đã mơ rằng:

“Từ đây người biết quê người,
Từ đây người biết thương người,
Từ đây người biết yêu người ..”


Nhưng ông có ngờ đâu đã hơn 30 năm qua, “người” vẫn đối xử với “người” cùng một nòi giống tổ tiên như thế nào sau cái “mùa Xuân đầu tiên” năm ấy?

Sân khấu đang từ mùa Xuân bổng chuyển sang màu tím của một buổi chiều Thu với tiếng hát và vóc dáng, khuôn mặt thật xinh tươi quyến rũ của ca sĩ Hồ Hoàng Yến trong trang phục màu tím xậm thật đẹp với những lời hát thật mượt mà mang đậm nét u buồn cho tâm sự của lứa đôi đang nhớ nhau vì ngăn cách:

“Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài?
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian,
Mây bay quan san, có hay?

Ai nhớ, mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu, nhìn mây tím… nhớ nhau …”


Nhạc phẩm “Chiều Tím” là sáng tác nổi tiếng nhứt của nhạc sĩ Đan Thọ, sinh quán tại Nam Định, năm nay đã 84 tuổi và đang định cư ở Mỹ với sức khoẻ đồi dào vì vẫn còn lái xe rong chơi đây đó. Bài “Chiều Tím” được ông soạn nhạc vào năm 1968 (phổ thơ Đinh Hùng), sau đó là Xa Quê Hương, Mimosa Thôi Nở, Dương Cầm ... Trước năm 1975 ông là một nhạc sĩ chơi vĩ cầm và saxo rất có hạng trong sinh hoạt vũ trường và phòng trà ca nhạc của Sài Gòn. Ông cũng cộng tác với vài ban nhạc chuyên trình diễn trên đài phát thanh, truyền hình và các buổi đại nhạc hội hoặc các hãng sản xuất băng đĩa trong nhiều chục năm dài. Có thể nói cuộc đời của ông gắn liền với những hoạt động âm nhạc cùng thời kỳ với những nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Xuân Tiên, Nhật Bằng khi ông bắt đầu học nhạc từ năm 17 tuổi…Sau năm 1975 ông vẫn tiếp tục cộng tác với vài ban nhạc và thoại kịch để đi lưu diễn khắp nơi trong nước. Sau khi qua Mỹ và định cư ở tiểu bang New Orleans từ năm 1995 ông đã chính thức về hưu để dành trọn thời giờ bên người hiền phụ đã kết hôn với ông vào năm 1945 ở Hà Nội khi vừa tròn 16 tuổi. Hơn 60 năm qua, họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau và nhạc sĩ Đan Thọ cũng dành thời giờ để chăm sóc cây cảnh và nuôi chim giải khuây. Hiện nay nhạc sĩ Đan Thọ đang cư ngụ ở Houston, Texas. Nhạc phẩm duy nhứt mà ông sáng tác ở Mỹ là bài “Dương Cầm” dựa theo ý thơ của người con rễ là bác sĩ kiêm thi sĩ Mùi Quý Bồng. Trong chương trình Asia 59 này, khán giả sẽ có dịp được thấy và nghe nhạc sĩ Đan Thọ tâm sự về bài hát “Chiều Tím” trên màn hình hai bên sân khấu.

Bài hát “Chiều Tím” ở chương trình này đã khiến cho Hồ Hoàng Yến có dịp phô bày được những nét trẻ trung, xinh tươi qua vóc dáng, trang phục và giọng hát của cô. Trong Asia 58, cô chỉ hát một đoạn ngắn của bài “Đêm Cuối Cùng”. Hôm nay Hồ Hoàng Yến hát được trọn bài “Chiều Tím” nên khán giả sẽ có dịp đánh giá và nhận xét thêm về chất giọng và kỹ thuật ca hát của cô qua nhiều năm kinh nghiệm. Hồ Hoàng Yến cũng là tên thật của người ca sĩ trẻ này. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc. Nhưng trước năm 1975, thân phụ của cô là một quân nhân trong binh chủng Không Quân của VNCH và đã qua đời trong một chuyến vượt biên, khiến cho cô bây giờ chỉ còn mẹ mà không có anh chị em gì hết. Hồ Hoàng Yến đã thích hát từ nhỏ ở trường học, sau đó có thời đi hát chuyên nghiệp ở các phòng trà, vũ trường. Năm 2001, Hồ Hoàng Yến sang định cư ở San Jose rồi dọn sang Pennsylvana và từ năm 2005 đã dọn về cư ngụ ở vùng Little Saigon và trình diễn ở nhiều chương trình văn nghệ khác nhau. Hồ Hoàng Yến đã tâm sự “ca hát là một đam mê của Yến, bỏ gì cũng được, nhưng không thể bỏ ca hát…”.

*Liên khúc Khánh Băng:

Trong chương trình này, cố nhạc sĩ Khánh Băng đã được vinh danh qua một video clip kể về cuộc đời của ông. Điểm đặc biệt của người nhạc sĩ sinh trưởng tại Vũng Tàu này là ông là người đi tiên phong trong việc sử dụng cây guitar điện trên sân khấu ở thời thập niên 1950 như là một sáng kiến rất mới lạ vào thời đó.

Kế đến là thập niên 1960, khi ảnh hưởng của phong trào nhạc trẻ từ Âu Mỹ bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam thì Khánh Băng thành lập ban kích động nhạc mang tên “Khánh Băng-Phùng Trọng” với Duy Khiêm, Phùng Trọng và Nguyễn Ánh (sau này đổi tên thành Nguyễn Ánh 9). Khánh Băng đã chơi thành thạo cây đàn guitar điện với những âm thanh thật lạ lùng quyến rũ bên cạnh tay trống Phùng Trọng với những sáng tác đầu tiên mang giai điệu Twist của nền âm nhạc Việt Nam như “Sầu Đông”, “Nếu Nhớ Đêm Nào” và “Tiếng Mưa Rơi”… Nhưng bên cạnh những bài hát kích động trên sân khấu như vậy, ít ai có thể ngờ được là nhạc sĩ Khánh Băng là một người nghệ sĩ có cuộc sống nội tâm giàu tình cảm vô cùng lãng mạn và yêu quê hương tha thiết. Có thể nói Khánh Băng cũng là người nhạc sĩ của tình ca quê hương với những sáng tác như “Đôi Ngã Chia Ly”, “Bốn Mùa Thương Nhớ”, “Khi Đã Yêu”, “Mối Duyên Quê”, “Mộng Chiều”, “Nếu Một Ngày”, “Thà Đừng Yêu” … Dĩ nhiên, khi sống vào thời tao loạn, Khánh Băng cũng có những đóng góp vào các tình khúc thời chinh chiến như “Giờ Này Anh Ở Đâu”, “Vườn Tao Ngộ”, “Người Lính Chung Tình”… Ở lại quê nhà sau năm 1975 cho đến khi bị bịnh mù loà vào năm 1996, Khánh Băng đã sáng tác thêm gần 100 ca khúc tình tự quê hương mang âm hưởng dân ca miền Nam như bản “Trên Nhịp Cầu Tre” do Duy Khánh phổ biến sau này ở hải ngoại. Nhạc sĩ Khánh Băng đột ngột qua đời vào đúng mùng một Tết Ất Dậu tức ngày 9 tháng 2 năm 2005 tại tư gia ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn khi vừa 67 tuổi.

Trong chương trình Asia 59 này, liên khúc “Trăng Thề, Nếu Một Ngày và Tiếng Mưa Rơi” là ba bài hát rất đặc sắc của ông qua sự kết hợp thật linh động và điêu luyện của hai danh ca Don Hồ, Y Phương cộng với sự trẻ trung của Lê Nguyên chắc chắn sẽ làm nhiều khán thính giả hài lòng. Trăng Thề cũng là một bài hát đã được nhiều fans gởi thơ về yêu cầu thực hiện. Trước đây Asia cũng đã cho trình diễn rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Khánh Băng như “Sầu Đông”, “Giờ Này Anh Ở Đâu” và đều được ưa thích.

Ở liên khúc Khánh Băng này là một sự phối hợp thật tuyệt vời giữa những giọng ca cao vút của Y Phương và Lê Nguyên cùng với giọng hát trầm ấm, tràn đầy tình cảm của danh ca Don Hồ khiến cho chúng ta có thể nghe đi, nghe lại nhiều lần mà tưởng chừng vẫn còn chưa đủ. Tiết mục này là một sự phối hợp lạ kỳ hay là một thí nghiệm mới mẻ giữa ba tiếng hát này với nhau. Chắc chắn là sẽ có kẻ khen người chê, nhưng đây là một kinh nghiệm trình diễn cho Lê Nguyên với các đàn anh, đàn chị của mình. Với một chương trình quá nhiều những bài hát hay như vậy, khán giả yêu thích tiếng hát Y Phương vẫn mong mõi được nghe Y Phương đơn ca thêm một bài hát thật dài ở lần trình diễn tới trên sân khấu Asia. Nhiều lời yêu cầu đã chuyển về diễn đàn của Trung Tâm Asia.

*Liên Khúc Nhạc Trẻ:

Với chủ đề “Một Thời Để Nhớ” thì không thể nào bỏ sót phong trào nhạc trẻ ở Việt Nam. Trước đây cũng có nhiều fans đề nghị Trung Tâm Asia nên làm một DVD riêng về “phong trào nhạc trẻ”, nhưng vẫn chưa thấy Asia thực hiện được, thì hôm nay ở đoạn phim tài liệu cho trình chiếu về phong trào nhạc trẻ này cũng có thể gợi nhớ cho nhiều người về một hiện tượng độc đáo nhứt của nền ca nhạc Việt Nam. Nói là “phong trào” và “hiện tượng” là vì giai đoạn trào lưu "nhạc trẻ xâm nhập Việt Nam chỉ hơn mười năm thôi, nhưng đã đào tạo ra nhiều nhạc sĩ, ca sĩ thành danh cho đến bây giờ. Tuy hiện nay ở hải ngoại, những sáng tác của Trúc Hồ, Sỹ Đan, Cardin, Trish cũng được gọi là “nhạc trẻ” nhưng lại khác xa những dòng nhạc trẻ ngày xưa ở quê nhà.

Vào khoảng đầu năm 1960, giới thanh niên trí thức, nhứt là các học sinh đang theo học chương trình Pháp của những “trường Tây” ở thủ đô Sài Gòn đã làm quen với những dĩa nhạc và sách báo du nhập từ Pháp. Nhiều thanh niên nam nữ đã đam mê âm nhạc Tây Phương và thành lập những ban nhạc bỏ túi. Một trong những ban nhạc trẻ đầu tiên ở Việt Nam được thành lập vào năm 1961 là Black Caps với Thanh Tuấn (tức Paolo sau này) rất nổi tiếng. Ấn tượng khó quên về ca sĩ này là bộ đồ da màu đen bó sát người, đôi găng tay cũng cùng màu đen xậm và trên cổ đeo lủng lẳng một sợi dây chuyền khá dài. Tên thật của anh là Đào Thiệu Doãn, sau này lấy tên Mỹ là Paolo hay còn gọi là Paolo Tuấn.

Sau đó là khởi đầu cho những ca sĩ Elvis Phương, Công Thành, Jo Marcel, Helena, Minh Xuân, Minh Phúc, Thanh Lan, Julie bắt đầu hát nhạc Pháp và Mỹ khi hiện tượng Elvis Presley và ban tứ quái Beattes bắt đầu được biết đến ở miền Nam. Từ những buổi trình diễn nhạc theo kiểu “Hippy À Go-Go” ở các phòng trà ca nhạc do các “ông bầu” Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel … phụ trách dành riêng cho khán giả Việt Nam ở Sài Gòn đã tạo nên cơ hội cho nhiều ban nhạc trẻ được thành lập và phục vụ cho các clubs của quân đội Mỹ khắp nơi, để sau đó hình thành những chương trình đại nhạc hội vĩ đại ở ngoài trời.

Nhiều người vẫn còn nhớ Đại Hội Nhạc Trẻ ngoài trời đầu tiên ở Việt Nam quy tụ gần 20,000 người ở sân vận động Hoa Lư, Sài Gòn vào năm 1971 với sự tham gia của nhiều ban nhạc ngoại quốc đến từ Âu, Mỹ, Úc, Á và tất cả những ban nhạc trẻ VN thời đó với tài tổ chức của nhà báo Trường Kỳ và nhạc sĩ Nam Lộc. Sau đó là những buổi đại nhạc hội gây quỹ cho “cây mùa Xuân chiến sĩ và cô nhi, quả phụ” được tổ chức hàng năm cho đến ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam.

Ở chương trình Asia 59, khán giả đã vô cùng ngạc nhiên và say mê thích thú theo dõi màn trình diễn của đôi song ca đại diện cho phong trào nhạc trẻ Việt Nam là Paolo Tuấn và Thanh Lan qua những bài hát quen thuộc như “MỘT THỜI ĐỂ YÊU (Les Amoureaux Qui Passent) (lời Việt của Nam Lộc), CUỘC TÌNH TÀN (lời Việt của Phạm Duy), MÙA TÌNH YÊU (LOVE SEASON, lời Việt của Trường Kỳ) và DELILAH. Phần phụ diễn của các vũ công lại làm tăng thêm nét đặc sắc cho tiết mục này. Lâu lắm rồi, khán giả mới thấy lại danh ca nhạc trẻ “vang bóng một thời” là Paolo Tuấn. Từ khi qua Mỹ ít ai thấy anh xuất hiện trước công chúng vì bận rộn cho những thương vụ cá nhân, nhưng đặc biệt hôm nay ở Asia 59, ca sĩ kỳ cựu của phong trào nhạc trẻ Việt Nam ngày xưa lại tái xuất giang hồ trên sân khấu Asia bên cạnh “nữ hoàng nhạc Pháp” Thanh Lan.

*Liên khúc Lam Phương:

Không cần nói nhiều về giòng nhạc Lam Phương trong suốt chiều dài của nền tân nhạc Việt Nam đã được biết bao nhiêu thế hệ khán giả say mê yêu thích từ trong nước ra đến hải ngoại và từ hải ngoại trở ngược về quê cũ. Ở Asia 59 này, các MC đã nhấn mạnh đến thời kỳ nhạc sĩ Lam Phương sáng tác những bài hát đặc biệt dành riêng cho từng chủ đề của ban thoại kịch Sống do nghệ sĩ Túy Hồng làm giám đốc. Xuất hiện trên sân khấu Asia lần này, kịch sĩ Túy Hồng đã tâm sự về thời kỳ “vàng son” của ban kịch Túy Hồng và những bài hát của nhạc sĩ Lam Phương. Nhiều người vẫn còn nhớ là từ quê nhà Cà Mau, cô Túy Hồng đã lên Sài Gòn lập nghiệp bằng con đường ca hát, rồi dần dần trở thành một kịch sĩ nổi tiếng ngang hàng với những Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương trên sân khấu lẫn trên đài phát thanh, truyền hình. Nhà văn Phạm Phong Dinh đã nhận xét như sau: “Ban kịch Sống Túy Hồng có một lợi thế mà ít ban kịch nào có được, và là ban kịch đưa các bài tình ca vào các vở diễn thành công nhứt, đó là nhờ phần lớn các bài hát tuyệt vời của người nhạc sĩ tài hoa Lam Phương, trong thời điểm đó là đức phu quân của Túy Hồng. Đầu năm 2000, để kỷ niệm 40 năm Túy Hồng cống hiến tài năng cho nền kịch nghệ, bà đã dựng lại vở “Con Gái Chị Hằng” và trình diễn trên sân khấu ở Nam California”. Cách đây vài năm, ban kịch sống Túy Hồng cũng đã trình diễn vài lần ở những chương trình video của Trung Tâm Asia.

Điển hình cho những bài hát được ban kịch Sống Túy Hồng chọn làm nhạc chủ đề cho từng vở kịch là các bài hát Duyên Kiếp, Trăm Nhớ Ngàn Thương (do Túy Hồng song ca với nhạc sĩ Diên An trong vở kịch “Tình Thiên Thu” vào năm 1970 ở Sài Gòn) và Thu Sầu được dàn dựng thành liên khúc Lam Phương trong chương trình Asia 59.

Lần đầu tiên trên sân khấu Asia, hai tiếng hát trẻ Băng Tâm và Đan Nguyên song ca bài “Duyên Kiếp” với màn diễn xuất rất tình tứ trong khung cảnh thiên nhiên và thơ mộng của mùa Thu đỏ rực một màu nắng chiều, nhưng cũng khá u buồn như câu hát “Em ơi nếu mộng không thành thì sao, non cao đất rộng biết đâu mà tìm”. (Bài hát này nổi tiếng tới mức có nhiều người đã đặt lời tếu như “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời”). Ở cuối bài hát họ đã dành cho nhau nột nụ hôn thật là tình tứ và nhẹ nhàng quay gót về phía hàng cây lá đỏ với những lời từ biệt sau cùng. Sau đó là phần song ca của Ngọc Huyền và Đặng Thế Luân với “Trăm Nhớ Ngàn Thương” và tam ca “Thu Sầu” với Y Phụng, Tường Nguyên và Tường Khuê. Có thể nói phần chọn lựa các ca sĩ hát chung với nhau ở từng bài hát ở liên khúc Lam Phương này rất thích hợp với từng giọng hát và vóc dáng của họ. Một tiết mục khá đặc biệt với 7 ca sĩ trẻ cùng đóng góp với nhau để vinh danh cho nhạc sĩ Lam Phương và ban kịch Sống Túy Hồng.

Nhắc về kịch thì ở các chương trình sau này, đôi uyên ương Quang Minh-Hồng Ðào vẫn tiếp tục cống hiến một vở kịch vui với những lời đối thoại rất đặc sắc phần nhiều là do họ vừa sáng tác và tập luyện với nhau. Ðặc biệt là ngoài tài năng trẻ Jonathan Phạm, khán giả còn có dịp gặp lại cô Tố Loan.Tuy bận rộn với thương nghiệp và làm người mẫu thời trang, nhưng Tố Loan đã trở lại với Asia 59 sau lần xuất hiện đầu tiên ở Asia 50 (kịch vui “Lâu Ðài Tình Ái”) và được khen ngợi rất nhiều.

*Liên khúc Trịnh Hưng:

Một nhạc sĩ được rất nhiều người yêu thích vừa từ giả chúng ta cách đây vài tháng (10-5-2008) tại Pháp là nhạc sĩ Trịnh Hưng, đã được vinh danh ở Asia 59 qua liên khúc “Lối Về Xóm Nhỏ” và “Tôi Yêu” với hai tiếng hát Phương Hoài Tâm và Phương Hồng Quế. Cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Hưng khá lận đận khi cộng sản chiếm miền Nam, ông đã bị tù suốt 8 năm vì sáng tác một bài hát chống đối lại với chế độ mới khi một người con trai của ông bị chết oan ức dưới bàn tay của công an cộng sản. Năm 1990 ông được gia đình bảo lãnh sang Pháp sau khi ra khỏi tù. Thời trước chiến tranh, khi từ giả miền Bắc vào Nam, ông đã từng mở lớp dạy nhạc, luyện giọng cho nhiều ca sĩ. Nghe nói ông đã đào tạo những người học trò rất nổi tiếng sau này như nhạc sĩ Trúc Phương, Đỗ Lễ và ca sĩ Thanh Thúy, Bạch Yến, Ánh Tuyết (thời trước). Từ năm 1956, ông đã nổi tiếng với những bài hát mang âm điệu dân ca kết hợp với nhạc Tây Phương rất dễ hát và dễ đi vào lòng người như những bài được giới thiệu ở Asia 59:

“Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bến đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa.”


Trước đây, trong cuốn video Asia “Đêm Saigon 6” nhạc sĩ Anh Bằng đã trang trọng giới thiệu nhạc sĩ Trịnh Hưng và bài hát “Tình Thắm Duyên Quê” thì hôm nay ở Asia 59, một lần nữa Asia lại vinh danh cho nhạc sĩ tài hoa này.

*Những bài hát song ca và đơn ca:

Có rất nhiều bài hát chọn lọc ở chương trình này. Đáng chú ý nhất là “Định Mệnh” của Song Ngọc do Phillip Huy và Mỹ Huyền song ca. Sự trở lại của Phillip Huy như là một đáp ứng theo yêu cầu của nhiều khán giả ái mộ anh. Nhưng ở lần trở lại này, không biết vô tình hày cố ý mà Trung Tâm Asia đã sắp xếp cho anh hát chung với Mỹ Huyền bài hát “định mệnh” này. Tại vì trước kia, đôi nghệ sĩ này đã từng có một thời yêu thương nhau trong nhiều năm dài, tưởng chừng đi đến hôn nhân. Nhưng rốt cuộc “ định mệnh” đã khiến họ chia tay nhau mỗi người một ngã. Mỹ Huyền đã tâm sự với khán giả về những chuyện tình của cô khi được Mc phỏng vấn. Người ca sĩ này sống nhiều với kỷ niệm, vì trước kia cô đã từng phát biểu: “Dù bây giờ em có vui, em có hạnh phúc cách mấy thì em vẫn sống về kỷ niệm, em nhớ về kỷ niệm để lấy cái tâm tư, lấy cái cảm hứng mà em viết nhạc”. Giờ đây ở chương trình này họ đã diễn tả bằng những câu hát theo đúng tâm trạng của họ ngày xưa:

“Ôm ấp chi một định mệnh buồn
Ðể chua xót những gì cho nhau
Người bước đi mà nát tan lòng
Ai đứng trông theo ngập ngừng
Tình yêu mất đi còn đâu

Em đâu lỡ hẹn
Mà đời lại chia ngăn cách với chia phôi
Phải chăng anh ơi tình lỡ ước mong
Trách chi người sang sông…”

Nguyên Khang và Diễm Liên cũng là một đôi song ca được nhiều người mến chuộng nhất ở sân khấu Asia hoặc ở những lần cùng đi lưu diễn khắp nơi. Sau một thời gian không hát chung với nhau, lần này họ cũng có dịp song ca “Tuổi Xa Người” và “Bây Giờ Tháng Mấy”. Ðây có thể nói là sự chọn lựa và hòa âm hai bài hát rất thích hợp với đôi song ca này. Với trang phục thật đẹp, thật trẻ trung, cái nắm tay tình tứ và cả hai nhìn vào mắt nhau như không thể rời xa là những diễn tả thật trung thực cho bài hát và tạo cho khán giả nhớ hoài hình ảnh của họ trên sân khấu.

Nhạc sĩ Mạnh Phát tuy không được vinh danh ở chương trình này, nhưng có hai bài hát rất đắc sắc của ông đã được nhiều người yêu cầu thực hiện. Đó là “Hoa Nở Về Đêm” do Ngọc Huyền trình bày. Bài hát được các MC giải thích thêm về ý nghĩa của các loài hoa chuyên nở ban đêm như Quỳnh Hoa và Dạ Lý Hương. Tiết mục đơn ca này rất thích hợp với giọng hát của Ngọc Huyền.

Riêng bài “Sương Lạnh Chiều Đông” do Băng Tâm diễn tả là một bài hát đã được rất nhiều khán giả yêu cầu dành riêng cho tiếng hát Băng Tâm và đã được Asia đáp ứng lại ở chương trình này. Đặc biệt ở tiết mục này, Băng Tâm đã xuất hiện với hình ảnh một thiếu nữ trẻ với mái tóc hớt ngắn (lần đầu tiên thay đổi kiểu tóc) càng làm cho cô trở nên cao ráo hơn. Nhứt là chiếc áo dài phủ gót màu hoàng yến khiến cho cảnh Băng Tâm đứng hát một mình giữa khung cảnh lạnh lẽo của mùa Đông, càng tạo nên ấn tượng cô đơn u sầu nhiều hơn nữa. Hầu như ở mỗi chương trình của Asia sau này, khán giả có thể nhận thấy rất rõ ràng là Băng Tâm đã tiến bộ những bước rất nhanh, rất dài qua kỹ thuật diễn xuất, chất giọng cũng như trang phục và vóc dáng. Đó cũng là kết quả của sự luyện tập chuyên cần, học hỏi kinh nghiệm và biết lắng nghe những góp ý chân thành của khán giả dành cho cô trên bước đường phục vụ nghệ thuật. Trước đó, nữ danh ca Như Quỳnh cũng đã trả lời phỏng vấn về những mùa Đông chất chứa nhiều kỷ niệm của cô và Như Quỳnh đã trang trọng giới thiệu bài hát “Sương Lạnh Chiều Đông” do Băng Tâm trình diễn.

Nữ nhạc sĩ Diệu Hương cũng đã trở lại với sân khấu Asia như một khách mời danh dự để trả lời phỏng vấn và nói về bài hát “Phiến Ðá Sầu” của cô. Tuy có người nghĩ là bài hát này dường như sáng tác cho một người phái nam. Nhưng ở chương trình này, chắc chắn khán giả sẽ ngạc nhiên khi nghe nữ ca sĩ Lâm Thúy Vân diễn tả những lời ca với tất cả cảm xúc và tâm hồn của cô dành trọn vào bài hát với chất giọng rất đặc biệt của cô.

Những ca sĩ trẻ luôn luôn làm cho không khí sân khấu sôi động với những bài nhạc trẻ do Sỹ Đan hoà âm. Đó cũng là những nét đặc biệt của các chương trình Asia và những tiết mục đã khiến cho nhiều khán giả như sống lại và hồi tưởng lại một thời trẻ trung nào đó của mình ở vài chục năm về trước. Đáng chú ý nhất vẫn là Trish Thùy Trang, Ánh Minh, Đoàn Phi, Thùy Hương, Cardin, Spencer. Mỗi người mỗi vẻ luôn luôn tìm ra những mới lạ cho họ trong cách phục sức cũng như việc lựa chọn bài hát. Như nhiều người đã ngạc nhiên khi nghe Trish hát nhạc Pháp. Chất giọng đặc biệt của những ca sĩ trẻ như Thùy Hương, Spencer, Ánh Minh khi hát tiếng Việt và những bước nhảy của Ðoàn Phi càng làm cho khán giả thêm yêu mến những tài năng trẻ tuổi này.

Được đào tạo và thành danh từ sân khấu Asia, hai ca sĩ Doanh Doanh và Cardin đã chứng tỏ tài nghệ của họ càng ngày càng tiến triển và vẫn được nhiều khán giả yêu thích. Nhứt là tiết mục đặc biệt hôm nay của Doanh Doanh và Cardin rất sống động với trang phục trẻ trung, hợp thời trang và những bước nhảy rất điêu luyện ở liên khúc “Without You” và một sáng tác của Trúc Hồ là “Và Hôm Nay”. Riêng hai ca sĩ trẻ khcá cũng do TT Asia đào tạo là Thùy Hương và Ánh Minh cũng rất xuất sắc trong tiết mục trình diễn của mình.

Không phải chỉ những ca sĩ trẻ mới được giới trẻ yêu thích, mà đó đây khắp các diễn đàn ca nhạc những khán giả trẻ tuổi đã yêu cầu và khen ngợi rất nhiều về những tiết mục của các ca sĩ kỳ cựu ngày xưa. Đặc biệt là hai giọng hát Thanh Phong và Ngọc Minh ở chương trình này với liên khúc “Khi Em Nhìn Anh” và “Nếu Em Về Bên Anh” cho thấy họ đã diễn tả những kỷ niệm yêu đương của “một thời để nhớ” ngày nào rất say mê, tình tứ , trẻ trung và quyến rũ. Một tiếng hát kỳ cựu khác, nhưng chỉ bắt đầu hát ở hải ngoại là Vũ Khanh cũng được rất nhiều bạn trẻ ái mộ. Ở Asia 59 Vũ Khanh đã diễn tả “Phượng Hồng” trong khung cảnh một mùa Hè đỏ rực vì những hàng phượng vĩ rợp trời (mà ở miền Nam gọi là bông điệp). Bài hát này được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ từ một bài thơ của nhà thơ “thanh niên xung phong” Đỗ Trung Quân. Tuy là một sáng tác từ trong nước nhưng lại được nhiều bà con ở hải ngoại đón nhận, lắng nghe và yêu thích. Đó là vì bài hát này mang những nét lãng mạn, nhẹ nhàng êm ái của một thời “áo trắng sân trường”. Nhứt là thời còn đạp xe đi học và ăn độn với khoai, sắn, bo-bo là quãng thời gian mà nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thể nào quên. Một tiết mục rất thành công vì có những âm thanh hình ảnh thật thơ mộng và ngập tràn kỷ niệm qua tiếng hát điêu luyện của Vũ Khanh và nhiều phụ diễn qua phần hoà âm của nhạc sĩ Trúc Sinh là người “chuyên trị” những bài hát quê hương.

*Những sáng tác mới:

Chương trình nào của Asia cũng thường khiến khán giả ngạc nhiên với những sáng tác mới lạ lần đầu tiên được trình làng và do những tiếng hát độc quyền cho Trung Tâm Asia diễn tả. Lần này Như Quỳnh cũng giới thiệu một bài hát mới rất cảm động dành cho những người đã mất đi một người thân yêu nhứt của mình trên đời. Ðó là ca khúc “Thăm Mộ Mẹ” của nhạc sĩ Anh Bằng phổ theo lời thơ của Lê Duy Phương. Khung cảnh sân khấu thật trang nghiêm và cảm động khi Như Quỳnh ôm một bó hoa huệ trắng mà quỳ bên mộ người hiền mẫu rồi cất tiếng ca:

“Con quỳ bên mộ mẹ
Nghĩa trang buồn hắt hiu
Gió lạnh ru rặng liễu
Mẹ bây giờ ở đâu?”

Riêng nhạc sĩ Trúc Hồ cũng giới thiệu hai sáng tác mới nhứt viết về tình yêu là “Chỉ Là Phù Du Thôi” qua tiếng hát của Lâm Nhật Tiến và “Vầng Trăng Tình Yêu” do Thiên Kim và Quốc Khanh song ca. Ở chương trình này Quốc Khanh ngồi đệm trống và hát chung với Thiên Kim trong một trang phục rất là gợi cảm.


*Liên khúc Lê Uyên Phương:

Trước năm 1975, có nhiều đôi song ca từng trình diễn chung với nhau, nhưng có thể nói Lê Uyên Phương là hai ca sĩ được nhiều người, nhiều giới yêu thích và nhớ nhiều vì những nét đặc biệt trong phong cách trình diễn của họ. Xuất hiện lần đầu tiên ở Sài Gòn trong một phòng trà do nhạc sĩ Trường Kỳ đảm trách phần văn nghệ bên cạnh những ban nhạc trẻ chuyên hát nhạc ngoại quốc, cái tên xa lạ Lê Uyên Phương sau đó đã nổi danh khắp nơi. Đa số những tác phẩm họ trình bày đều do ca nhạc sĩ “Lê Uyên Phương” sáng tác. Tên thật của ông là Lê Minh Lập và sau đó đổi thành Lê Minh Lộc, sanh ngày 2-2-1941 tại Đà Lạt. Khi còn niên thiếu, ông đã học vĩ cầm với nhạc sĩ Francois Regor và tự học sáng tác qua sách vở. Ca khúc đầu tay “Buồn Đến Bao Giờ” được ông sáng tác vào năm 1960. Trong thời gian đi dạy học, ông đã lập gia đình với “cô láng giềng” Lâm Phúc Anh, người gốc Hoa từ Sài Gòn lên Đà Lạt trọ học. Chính nhạc sĩ LUP đã giải thích về biệt hiệu này như sau trong một cuộc phỏng vấn với Trường Kỳ: Tên Uyên là tên một cô bạn gái thời trẻ, tên Phương là một tên của mẹ của ông (Công Tằng Tôn Nữ Phương Nhi), nên khi bắt đầu sáng tác ông ghép lại là “Lê Uyên Phương”. Nhưng khi đi hát chung, người vợ của ông không muốn xài tên thật, nên ông đã tách biệt hiệu mình ra thành : Lê Uyên và Phương và trở thành đôi song ca tưởng chừng không thể chia lìa, ngăn cách.

Lê Uyên Phương và 2 cô con gái đã vượt biên năm 1979 và sang định cư tại Hoa Kỳ. Họ đã cộng tác với nhiều chương trình video của Asia. Ngày 19 tháng 6 năm 1999 ca nhạc sĩ Phương đã mất tại California vì chứng ưng thư phổi. Ông đã để lại một sự nghiệp sáng tác rất đồ sộ với những tuyển tập nhạc đã xuất bản như Khi Loài Thú Xa Nhau (1970), Yêu Nhau Khi Còn Thơ (1971), Biển, Kẻ Phán Xét Cuối Cùng (1980)và một tập truyện, tùy bút Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles (1990). Những tập nhạc đã hoàn tất nhưng chưa ấn hành là : Uyên Ương Trong Lồng (1970-1972), Bầu Trời Vẫn Còn Xanh (1972-1973), Con Người Một Sinh Vật Nhân Tạo (1973-1975), Trại Tỵ Nạn và Các Thành Phố Lớn (1987-1988), Diệp Lục Tố (1977-1990).

Chương trình Asia 59 đã kết thúc với một liên khúc gồm những bài hát tiêu biểu nhất của Lê Uyên Phương và đặc biệt bất ngờ có sự xuất hiện của ca sĩ Lê Uyên và đôi song ca của thế hệ tiếp nối là Phương Thảo và Ngọc Lễ. Những âm thanh, hình ảnh của liên khúc Lê Uyên Phương hợp cùng tất cả nam nữ nghệ sĩ hiện diện đã khiến cho phần kết thúc của chủ đề “Một Thời Để Nhớ” như bao gồm hầu hết những giòng nhạc tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại qua nhiều thế hệ cùng đứng chung với nhau.

Tóm lại đây là một chương trình ca nhạc mang đầy tính nghệ thuật không những làm cho nhiều người thuộc thế hệ ông bà cô bác nhớ lại một thời quá khứ ngày xưa trên quê hương mà còn khiến cho thế hệ tiếp nối (con cháu) sau này có dịp nhìn lại hình ảnh, nghe lại âm thanh của nhiều thập niên từ trong nước kéo dài ra tới hải ngoại. Asia 59 xứng đáng là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật để mọi gia đình cùng thưởng thức và lưu giữ hoặc trao gởi cho nhau như một món quà lưu niệm của những người cùng chung sở thích.

10.10.2008